Những ngày này, người dân vùng chè Hải Hà trong tâm thế phấn khởi, chuẩn bị cho Lễ hội Trà Đường Hoa năm 2024, lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn.
Với diện tích khoảng 800ha, cây chè gắn với quá trình phát triển của vùng đất Hải Hà, gắn với kế sinh nhai của hàng nghìn người dân. Năm 1963 những công nhân Nông trường Đường Hoa Cương là những người đầu tiên phát triển cây chè thương phẩm. Trước đó, vùng đất này đã có những cây chè xanh to lớn, được các gia đình bản địa trồng để lấy lá nấu nước uống.
Khác với nhiều vùng chè, cây chè Hải Hà phát triển ở diện tích giữa núi non và biển cả. Cây uống nước đầu nguồn từ dãy núi cao đổ về, trong đó có ngọn Quảng Nam Châu cao nhất tỉnh. Cây hưởng hương gió biển chỉ cách đó vài km; thành ra chè Hải Hà mặn mòi, nồng ấm, cây có sức sống tốt, lá xanh hơn, búp ngọt hơn, nước trà thơm hơn. Chè Hải Hà khi được thu hái, sao ủ thủ công sẽ tạo ra loại trà thượng hạng, nhiều người ưa chuộng.
Hơn 60 năm phát triển, cây chè Hải Hà đã trải qua nhiều thăng trầm. Giai đoạn cực thịnh những năm 70-90 của thế kỷ trước, chè Hải Hà đạt đến sản lượng 1.600 tấn, là sản phẩm quốc gia dự Hội nghị Paris, sản phẩm chủ lực xuất đi Nga và các nước Trung Âu. Sau thời bao cấp, cây chè là sản phẩm hàng hoá chịu nhiều tác động của thị trường; đã có lúc sản phẩm chè Đường Hoa không thể xuất đi nước ngoài. Giai đoạn 2015-2017, chè Hải Hà làm ra không ai mua, cây chè bị cằn cỗi. Những người còn sống dựa vào chè cũng có lúc chán nản, hái chè đổ thành từng đống dọc đường. Diện tích cây chè sụt giảm nghiêm trọng đến cả trăm ha.
Trải qua những thăng trầm, cây chè Hải Hà vẫn được giữ và khôi phục, trở thành nguồn thu rất lớn, đảm bảo an sinh xã hội cho đông đảo người dân trên địa bàn. Hiện cây chè ngày càng được đầu tư chuyên sâu. Những người cả đời gắn bó với cây chè, quyết giữ nghề chè. Có những người trẻ Hải Hà từng bỏ vùng chè để đi làm KCN, nay trở lại, tiếp thu, học hỏi kỹ thuật canh tác, chế biến chè từ cha ông, áp dụng thêm thiết bị máy móc hiện đại, quy trình cải tiến kỹ thuật vào sản xuất, tiếp cận xu thế thương mại số, thương mại điện tử… để phát triển cây chè, đưa cây chè lên tầm cao mới. Hiện Hải Hà đạt sản lượng ổn định khoảng 1.000 tấn chè khô mỗi năm, trong đó 60% xuất khẩu nước ngoài; có sản phẩm chè Hải Hà bán với giá chục triệu đồng/kg.
Sau nhiều cố gắng, niềm vui từ cây chè lan tỏa từ thế hệ này sang thế hệ khác, để hôm nay Hải Hà tự hào về loại nông sản đặc biệt của mình. Hiện cán bộ, nhân dân huyện đang tập trung tổ chức Lễ hội Trà Đường Hoa năm 2024 (lần đầu tiên tổ chức cấp huyện, trước đó đã tổ chức cấp xã) một cách trang trọng, quy mô nhất. Theo kịch bản, sân khấu lễ hội được dựng trên cánh đồng chè thôn 8, xã Quảng Long. Trong 2 ngày 14 và 15/9 sẽ diễn ra chuỗi hoạt động liên quan đến cây chè, như đua xe đạp quanh vùng chè, biểu diễn dân vũ trên nương chè, rước nước dưỡng chè, rước cây chè cổ thụ, thi hái chè, sao chè, thi nấu đồ ăn, thức uống từ cây chè, lễ chuyển giao cây chè cho thế hệ trẻ, lễ tri ân những người có công với vùng chè, thi hát, thi làm tik tok về vùng đất Hải Hà trong đó có hình ảnh cây chè…
Theo ông Bùi Thanh Tuấn, Trưởng Phòng VH&TT huyện, Lễ hội Trà Đường Hoa năm 2024 có sự kết nối giữa vùng cao, đồng bằng và vùng biển, giữa các thế hệ trồng chè. Hải Hà đặt mục tiêu hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp từ cây chè, kết nối với loại hình du lịch văn hoá bản địa vùng cao biên giới dân tộc thiểu số Quảng Sơn, xã Quảng Đức và loại hình du lịch biển với đảo Cái Chiên tươi đẹp.