Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 21/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020- 2025, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đưa mục tiêu hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội kịp thời, khoa học, ngày 9/4/2021, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một trong những nghị quyết đầu tiên của BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, thể hiện ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh. Với mục tiêu nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; xây dựng nền hành chính tỉnh Quảng Ninh ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp gắn với định vị thương hiệu tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu về cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 05-NQ/TU đã thực sự đi vào cuộc sống. Minh chứng rõ nét nhất là tỉnh Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số PCI, 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS, chỉ số PAR-Index, 2 năm dẫn đầu chỉ số PAPI; đồng thời là tỉnh duy nhất cả nước có 2 lần dẫn đầu đồng thời cả 4 chỉ số PCI, SIPAS, PAR-Index, PAPI (năm 2020, năm 2022). Đặc biệt, Quảng Ninh hoàn thành trước mục tiêu đến năm 2025, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 5 tỷ USD. Trong 3 năm (2021-2023), thu hút vốn đầu tư FDI đạt trên 6,83 tỷ USD, bằng 137% kế hoạch.
Thủ tục hành chính (TTHC) thường xuyên được rà soát, chuẩn hóa quy trình, thời gian giải quyết ngày càng được cắt giảm đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp tham gia giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến ngày càng được nâng lên. Hiện, cấp tỉnh cung cấp trên 90% TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, trong đó 73,2% được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Riêng năm 2023, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh đạt 98,5%, đứng nhất toàn quốc. Hạ tầng viễn thông cơ bản đáp ứng yêu cầu cho việc triển khai chuyển đổi số toàn diện.
Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục được rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn; hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước ngày càng nâng lên. Đội ngũ cán bộ công chức trong hệ thống chính trị đã hình thành văn hóa phục vụ, văn hóa cam kết, tận tâm, tận lực vì sự phát triển của địa phương. Cùng với đó, công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước.
Những kết quả toàn diện mà tỉnh Quảng Ninh đạt được trong thực hiện công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhất là những chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính đứng đầu cả nước đã phản ánh một chính quyền địa phương liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, đúng như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh ngày 6/4/2022.
Qua thảo luận, BTV Tỉnh ủy thống nhất đánh giá cao những kết quả đã đạt được sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 05. Đây là sự nỗ lực vượt bậc của hệ thống chính trị toàn tỉnh, trước hết từ các đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phát huy vai trò của cơ quan dân cử trong giám sát, nỗ lực cố gắng vượt bậc, kiên trì. Những kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Ninh. Niềm tin của người dân, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp về môi trường đầu tư và hệ thống chính quyền ngày càng tăng lên.
Từ kết quả đạt được cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm về sự quyết tâm, quyết liệt trong xây dựng chính quyền phục vụ với mục tiêu đặt ra rất cao hướng đến vì hạnh phúc nhân dân; về nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; về đẩy mạnh chuyển đổi số…
BTV Tỉnh ủy cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế liên quan đến việc thiếu gắn kết giữa chuyển đổi số với Nghị quyết 05-NQ/TU ở các cấp độ; chưa quan tâm đúng mức đến việc rà soát, kiểm tra, giám sát để phát hiện những bất cập của thủ tục hành chính, của quá trình chuyển đổi số; một số vị trí việc làm tại các Trung tâm HCC cấp tỉnh, cấp huyện và bộ phận một cửa cấp xã cần được chú trọng hơn nữa…
Về nhiệm vụ tới đây, BTV Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục đổi mới sáng tạo trong tổ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chuyển đổi số. Trong đó, cần quan tâm đến xây dựng dữ liệu, kết nối chia sẻ dữ liệu đồng bộ, liên thông; lựa chọn 5 lĩnh vực để tạo ra đột phá là y tế, giáo dục, du lịch, tổ chức cán bộ và hải quan, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu.
BTV Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan rà soát lại các thủ tục hành chính cung cấp cho người dân và doanh nghiệp; quy trình nghiệp vụ để điều chỉnh những bất cập nếu có; thiết lập quy trình quản trị, quản lý tại cơ quan, trung tâm hành chính công, bộ phận một cửa theo tinh thần cung cấp dịch vụ công thông minh hơn, quy trình hóa thông minh hơn, quy trình quản trị thông minh hơn. Mọi người, mọi bộ phận của tổ chức trong hệ thống toàn tỉnh đều phải tham gia chuyển đổi số và mọi hoạt động của tổ chức trong hệ thống đều phải được chuyển đổi số. Chuyển đổi số của nơi nào thì nơi đó phải làm; chuyển đổi số không có lộ trình kết thúc, phải luôn cập nhật theo đúng tiêu chí: Đúng, đủ, sạch, sống. Phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự quyết liệt của người đứng đầu các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại hạ tầng kết nối, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, nền tảng giao dịch, con người, thể chế nội bộ và lộ trình chuyển đổi số, quản trị thực thi đảm bảo đồng bộ hóa.
Cùng ngày, BTV Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025; việc sửa đổi một số quy chế của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; báo cáo tổng kết Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cùng nhiều nội dung quan trọng khác.