Sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, phong phú, quý giá, trong những năm qua, TP Hạ Long đã từng bước khai thác hiệu quả, tạo nhiều sản phẩm du lịch mới độc đáo, hút khách. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với vị trí của ngành kinh tế mũi nhọn.
Nhắc đến Hạ Long không thể không nhắc tới Vịnh Hạ Long. Không chỉ có giá trị về cảnh quan, địa chất địa mạo, Vịnh Hạ Long còn hấp dẫn du khách bởi những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử. Đây chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt và sức hấp dẫn đặc biệt của Vịnh Hạ Long so với các điểm đến du lịch khác.
Theo nghiên cứu, Vịnh Hạ Long là một trong những cái nôi của người Việt cổ, với ba nền văn hóa tiền sử kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 18.000 đến 3.500 năm, đó là văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long. Ngay tại khu vực trung tâm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện khá nhiều dấu tích còn lại của những cư dân thời tiền sử Hạ Long tại động Mê Cung, hang Tiên Ông, hang Bồ Nâu, động Thiên Long…, cho thấy sự phát triển rực rỡ, liên tục của một nền văn hóa mang đậm sắc thái của cư dân vùng biển đảo, có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào quá trình hình thành nền văn minh Việt cổ.
Khai thác đặc trưng, giá trị văn hóa này, thời gian qua, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa trên Vịnh Hạ Long đã ra đời, mang đến cho du khách trong nước và quốc tế những trải nhiệm thú vị và được đánh giá cao trong những năm gần đây.
Ông Trần Đăng An, Giám đốc Lữ hành Halotour (TP Hạ Long) cho biết: Ngoài các sản phẩm du lịch thăm vịnh truyền thống, chúng tôi cũng kết nối tổ chức các tour đưa du khách khám phá văn hóa làng chài tại khu vực Cửa Vạn, tham quan di chỉ khảo cổ tại động Mê Cung, khu trưng bày khảo cổ tại động Tiên Ông, khu nuôi trồng và chế tác ngọc trai tại vụng Tùng Sâu, Vung Viêng mang đậm nét văn hóa làng chài của Vịnh Hạ Long. Tại đây, du khách có cơ hội tìm hiểu những giá trị văn hóa trên Vịnh Hạ Long như: Chèo thuyền nan, nghe hát giao duyên, trải nghiệm cuộc sống của ngư dân…
Bên cạnh đó, sau dấu mốc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long đã đưa không gian văn hóa đặc sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây trở thành nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch của thành phố, góp phần đa dạng các sản phẩm du lịch. Tiêu biểu có thể kể đến: Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả), Mô hình du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp farm (xã Kỳ Thượng)… Thông qua lễ hội truyền thống, các hoạt động tham quan, trải nghiệm phong tục, nếp sống của người dân bản địa, du khách được tìm hiểu giới thiệu văn hóa, thưởng thức ẩm thực truyền thống, hòa mình vào trò chơi dân gian, các hoạt động may, thêu trang phục truyền thống của đồng bào…
Anh Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Am Váp farm, cho biết: Chúng tôi tập trung phát triển các sản phẩm du lịch của mình gắn với nét văn hóa, truyền thống, phong tục đặc sắc của đồng bào nơi đây từ kiến trúc, không gian nhà sàn, thưởng thức ẩm thực truyền thống đến đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch chính là người dân bản địa… Mô hình du lịch cộng đồng được hình thành nhằm mang đến một góc nhìn mới mẻ, đa dạng hơn về du lịch Hạ Long thay vì chỉ là du lịch biển đảo, góp phần đưa Hạ Long trở thành điểm đến bốn mùa.
Tính đến nay, Hạ Long hiện có 1 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt (Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long); 6 di tích được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia (Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia Cụm di tích núi Bài Thơ; Di tích Lịch sử cấp quốc gia Trận địa pháo 37mm của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai; Di tích Khảo cổ cấp quốc gia Di chỉ Hòn Hai – Cô Tiên; Di tích Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Quần thể núi Mằn; Di tích thắng cảnh hồ Yên Lập – chùa Lôi Âm; Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh (1964-1975) trên núi Bài Thơ) và 15 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Đây cũng chính là những điểm đến du lịch văn hóa độc đáo, mang đến cho du khách hành trình khám phá du lịch trọn vẹn tại thành phố bên bờ di sản.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP Hạ Long, hiện, thành phố đang lập kế hoạch triển khai xây dựng các làng, bản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, phục dựng các lễ hội, nét văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch, thông qua các sản phẩm du lịch đặc trưng đến với du khách tham quan Hạ Long. Qua đó, không ngừng làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đồng thời mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch, dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho chính người dân trên địa bàn.