Chỉ còn 1 tháng nữa là hết thời hạn gần 7 năm chịu “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) và là cơ hội cuối cùng để ngành thủy sản của Việt Nam kết thúc tình trạng này, các bộ ngành, địa phương, chủ tàu cá đang cùng chạy nước rút để gỡ “thẻ vàng” của EC.
Cơ hội cuối cùng để gỡ “thẻ vàng”
Dự kiến, tháng 5.2024, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam thanh tra lần thứ 5 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quyết định (IUU). Đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản khai thác trước khi EU bầu cử.
Nếu không làm được, Việt Nam có thể phải mất vài năm nữa mới có cơ hội, thậm chí có nguy cơ bị phạt “thẻ đỏ” chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định, hạn chế xuất khẩu thủy sản vào các thị trường quan trọng. Vì thế, nhiệm vụ gỡ “thẻ vàng” IUU đang cấp thiết hơn bao giờ hết và cần dồn sức thực hiện.
Ngày 10.4.2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản, nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng cấp bách hàng đầu hiện nay, gắn liền với trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các tổ chức đảng, người đứng đầu của chính quyền các cấp, đặc biệt là hệ thống chính quyền của 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Bước đầu phát triển ngành thủy sản bền vững
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, đã gần 7 năm Việt Nam bị cảnh báo “thẻ vàng” về khai thác IUU. Những nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là việc thực thi ở các cấp độ các địa phương.
Bộ trưởng cho biết, khi tiếp xúc với những người ngư dân và họ đều chia sẻ rằng, trữ lượng hải sản ngày càng giảm đi do cách chúng ta khai thác mang tính tận diệt như: Sử dụng mắt lưới nhỏ, dùng thuốc nổ…
Có 3 điểm lớn mà chúng ta cần tập trung trong các khuyến cáo của EC. Một là tàu cá còn vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Thứ hai là tàu cá còn tắt thiết bị giám sát hành trình. Thứ 3 là do lịch sử để lại, Việt Nam có những đội tàu chưa được đăng ký, đăng kiểm, không giấy phép khai thác và đây là tàu không số. Ba tồn tại này dễ dẫn đến ngư dân không tuân thủ pháp luật.
Hiện nay, các địa phương đang thực hiện đăng ký lại với những tàu “3 không” này. Đây cũng là lúc địa phương chứng tỏ sự đóng góp của mình cho hình ảnh quốc gia, chứ không chỉ là gỡ “thẻ vàng” IUU.
Chính vì vậy mấu chốt nằm ở quyết tâm của lãnh đạo địa phương và tinh thần phối hợp liên thông để cùng xử lý vấn đề. Việc gỡ tấm thẻ này là bước đầu để chúng ta đi vào một ngành thủy sản phát triển bền vững.
Thông tin trên báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường nhấn mạnh, thời gian tới, để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển và góp phần cùng cả nước gỡ “thẻ vàng”, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị của sản phẩm và lợi nhuận cho ngư dân.