Chỉ còn hơn mười ngày nữa là hết năm 2023, dự kiến thu ngân sách nhà nước có thể “về đích” giữa những bộn bề khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các khoản thu sụt giảm.
Giảm nguồn thu từ đất
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước 11 tháng ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán, giảm 7,1% so cùng kỳ năm 2022. Như vậy, trong tháng cuối cùng của năm, cả nước chỉ phải thu thêm 83.000 tỷ đồng để hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước được giao. Mục tiêu này theo tính toán là khả thi và ngân sách nhà nước ước hoàn thành dự toán nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thu nội địa giảm so với dự toán, tình trạng hụt thu ở các địa phương.
Cụ thể, số thu trên địa bàn, ước tính có 27 địa phương thực hiện thu nội địa 11 tháng đạt trên 95% dự toán; 13 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ, trong khi có tới 50 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.
Là một trong những đầu tàu kinh tế lớn nhất của cả nước, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đã có một năm ‘chật vật” khi vào nhóm địa phương có số thu ngân sách thấp nhất cả nước. Năm 2023, TP Hồ Chí Minh được giao thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 469.375 tỷ đồng (chỉ tiêu được giao năm 2022 là 469.681 tỷ đồng). Nhưng đến hết tháng 11/2023, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện được 401.489 tỷ đồng, đạt 85,5% dự toán và giảm 8,5% so với cùng kỳ. Ba khu vực giảm nhiều nhất là thu nội địa giảm 4,7%, thu từ dầu thô giảm 15,3% và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 15,3%.
Theo lãnh đạo Thành phố, thuế thu nhập cá nhân và thu từ đất đai, bất động sản là hai trong số các nguồn thu thế mạnh của TP Hồ Chí Minh nhưng tình hình kinh tế gặp rất nhiều khó khăn thu nhập của doanh nghiệp và người dân giảm sút, bất động sản đóng băng,… đã dẫn đến nguồn thu từ các khoản này giảm rất nhiều.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hoạt động thu từ đất đai nhìn chung chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hay như tại Hà Tĩnh, thu ngân sách của tỉnh này năm nay có thể không đạt được kế hoạch đề ra. Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh thì nguyên nhân khiến cho tổng thu ngân sách chưa đạt dự toán là do điều kiện sản xuất kinh doanh còn khó khăn, thị trường bất động sản phục hồi chậm, đồng thời do đang thực hiện chính sách miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp
Có thể thấy, một nguyên nhân chung khiến cho các địa phương có số thu thấp và chưa hoàn thành được mục tiêu là do thị trường đất đai trầm lắng, khiến việc đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương gặp không ít khó khăn.
Theo các chuyên gia kinh tế, đấu giá quyền sử dụng đất là một trong những hoạt động tạo nguồn thu quan trọng đối với ngân sách các địa phương. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 tới nay, thị trường bất động sản trầm lắng, các phiên đấu giá của các địa phương số lượng người tham gia ít, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm thấp, nhiều cuộc đấu giá mở ra không thành công. Giá khởi điểm các lô đất ở mức cao khiến người dân e dè, nhiều phiên đấu giá chỉ bán được vài lô đất trong tổng số hàng chục lô đất đưa ra đấu giá. Nhiều trường hợp người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc, không thực hiện nghĩa vụ tài chính, thậm chí nhiều lô không có người tham gia trả giá.
Trao đổi với báo chí, Trưởng phòng Quản lý phát triển quỹ đất, Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Lê Hoàng Phúc Vinh cho biết, nguyên nhân tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất chậm là do chính sách, pháp luật không quy định về cơ sở điều chỉnh giá khởi điểm trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, giá khởi điểm để đấu giá cao hơn so với thị trường. Việc tạo lập quỹ đất còn khó khăn do bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân… Nhiều đơn vị tư vấn từ chối tham gia xác định giá khởi điểm đất, hoặc tiến hành chậm do tâm lý e ngại trách nhiệm.
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 965 về tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện quản lý, sử dụng đất, giao đất, định giá đất gửi các bộ, ngành và địa phương nhấn mạnh tới việc phải tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện quản lý, sử dụng đất, giao đất và định giá đất. Đây được xem là nút thắt đầu tiên của mọi vấn đề về đất đai, là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp và phát sinh nhiều khó khăn ở các địa phương.
Giữa năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã từng rất lo lắng đối diện với tình trạng hụt thu ngân sách nhà nước vì hàng loạt các phiên đấu giá quyền sử dụng đất bị “ế”, nguồn thu từ tiền sử dụng đất giảm đến 60% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các phiên đấu giá đất tại Thanh Hóa đã khởi sắc giúp cho thu ngân sách của tỉnh đạt mục tiêu.
Theo đó, năm 2023, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa được Bộ Tài chính giao thu từ nguồn thu từ tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 7.100 tỷ đồng; UBND tỉnh giao dự toán thu là 7.800 tỷ đồng. Tính đến ngày 23/11, Cục Thuế tỉnh đã thu tiền sử dụng đất được 6.500 tỷ đồng và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp, đảm bảo hết năm 2023, thu từ tiền sử dụng đất đạt dự toán UBND tỉnh giao.
Đại diện Cục Thuế Thanh Hóa cho biết, để nâng cao hiệu quả từ bán đấu giá quyền sử dụng đất, các cơ quan chuyên môn kết hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) thực hiện công tác chuẩn bị đúng quy trình, quy định. Trước mỗi đợt bán đấu giá quyền sử dụng đất, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo rộng rãi, chi tiết đến đông đảo nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Cùng với đó, Cục Thuế Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy trình, kịp thời thông báo đến người sử dụng đất số tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Chi cục thuế các khu vực tiến hành thống kê, rà soát từng trường hợp đã thông báo nộp tiền sử dụng đất mà người dân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính để vận động thực hiện nộp kịp thời vào ngân sách.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, cơ cấu nguồn thu của chúng ta đang ngày càng bền vững, không còn chủ yếu dựa vào thu từ đất, dầu thô. Hết 11 tháng, các khoản thu về nhà, đất ước đạt 78,9% dự toán nhưng mà thu ngân sách chúng ta vẫn bám sát dự toán và đạt được 94,9%.
“Về cơ bản, chúng ta thu dựa trên năng lực của nền kinh tế, có nghĩa là thu nội địa, dựa trên khoản thu về sản xuất thì kinh doanh và các khoản thu thông qua xuất nhập khẩu…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nỗ lực vượt khó
Không phải chỉ có số thu ngân sách từ đất giảm làm ảnh hưởng đến tổng số thu chung mà các hoạt động sản xuất – kinh doanh của một số ngành công nghiệp chủ lực khó khăn; xuất nhập khẩu suy giảm kết hợp với thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phi, tiền thuê đất mới ban hành cũng đã tác động làm giảm thu ngân sách.
Năm qua, Bộ Tài chính phải đối mặt với nhiều thách thức. Thu ngân sách nhà nước trong năm có hiện tượng suy giảm. Thu nội địa giảm so với cùng kỳ năm trước với mức giảm thu diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại nhiều địa phương. Điều đáng lo ngại hơn là trong thời gian vừa qua và thời gian tới, các giải pháp về chính sách giảm thuế đã và đang chuẩn ban hành với quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cũng thẳng thắn nhìn nhận, số thu có xu hướng giảm nhiều tháng trong năm vừa qua, vì vậy việc thu sẽ khó khăn. Cùng với đó việc tiếp tục thực hiện các chính sách giảm, giãn thuế, phí, nhất là giảm 2% thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ… sẽ tác động đến thu ngân sách.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 gặp khó khăn và nhiều thách thức, đòi hỏi ngành tài chính nỗ lực không ngừng, đồng thời phải có nhiều giải pháp đột phá nhằm hoàn thành dự toán thu ngân sách được giao.
Năm 2023, để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế trong năm 2023, trong 11 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền và trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế cho doanh nghiệp và người dân với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn, miễn, giảm là khoảng 172,1 nghìn tỷ đồng, trong đó: miễn, giảm khoảng 65,2 nghìn tỷ đồng; được gia hạn khoảng 106,9 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, việc miễn giảm thuế lệ phí sẽ ảnh hưởng lớn đến thu ngân sạc nhà nước như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 24.000 tỷ đồng; giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước làm khoảng 8.000 – 9.000 tỷ đồng…
Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, các chính sách gia hạn, giảm thuế đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền do tạm thời chưa phải nộp thuế, đồng thời giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các chính sách thuế đi vào cuộc sống đã góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, giúp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước; trong đó người dân được hưởng lợi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã từng khẳng định khi nói về các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp suốt thời gian qua là “không hứa suông và đã nói là làm”, nhất là trong bối cảnh nguồn thu bị suy giảm nhưng vẫn phải bảo đảm nhu cầu chi, đặc biệt là chi về an sinh xã hội, chi cho phòng chống dịch bệnh…
Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp. Thông qua các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.
“Không phải vì lo ngại ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước mà không thực hiện các chính sách thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp là những quyết sách dài hơi, bởi vì đổi lại, nhờ ưu đãi về thuế, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Để bù đắp cho các khoản hụt thu, Bộ Tài chính đã tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt là nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế phát sinh từ nền kinh tế số, nguồn thu từ tài sản, kinh doanh bất động sản…
Trong quản lý thu, tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, tiếp tục triển khai điện tử hóa, số hóa các khâu trong quản lý thuế…
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh để đảm bảo cho các nguồn thu một cách bền vững, cách mà cơ bản nhất là chúng ta phải tăng được tổng cầu của nền kinh tế. Điều đấy có nghĩa là chúng ta phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách, hoàn thiện pháp luật và thúc đẩy vấn đề thu hút đầu tư để đầu tư tư nhân, đầu tư ngoài ngoài ngân sách nhà nước vào càng nhiều. Đồng thời, tăng tổng cầu thông qua đầu tư công, giải ngân nguồn đầu tư công cũng như tăng tiêu dùng và tăng xuất nhập khẩu, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Khi mà vai trò sức khỏe của doanh nghiệp tốt, điều đó có nghĩa là năng lực của nền kinh tế tốt thì nguồn thu sẽ bền vững.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều hành chính sách tài chính – ngân sách nhà nước theo hướng tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế chính sách tài chính – ngân sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hiện đại hóa, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.