Với việc sở hữu các giá trị nổi bật toàn cầu cùng nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế, Quảng Ninh luôn xác định Vịnh Hạ Long là báu vật được thiên nhiên ban tặng, là động lực quan trọng để phát triển ngành du lịch và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Nhiều giải pháp hiệu quả trong quản lý
Bám sát tinh thần của Công ước Di sản thế giới 1972, những năm qua, Quảng Ninh luôn nỗ lực và trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các giải pháp để quản lý, bảo vệ hiệu quả tính toàn vẹn và phát huy bền vững di sản Vịnh Hạ Long.
Nhiều chủ trương, chính sách lớn đã được tỉnh ban hành, triển khai nhằm tăng cường các hoạt động bảo vệ di sản, như: Di dời toàn bộ cư dân các làng chài trên Vịnh Hạ Long lên đất liền sinh sống; quy định không đánh bắt thủy sản trong vùng lõi di sản; chủ trương quy hoạch nuôi trồng thủy sản ngoài khu vực di sản; giảm số lượng, tăng chất lượng, an toàn và hiệu suất khai thác tàu du lịch trên vịnh; quyết định thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long. Các quy chế phối hợp liên ngành nội tỉnh và với TP Hải Phòng được ký kết và triển khai thực hiện…
Bên cạnh đó, tỉnh đã tăng cường nguồn lực để triển khai các hoạt động khảo sát, nghiên cứu nhằm bổ sung dữ liệu khoa học về các giá trị của di sản, là cơ sở đưa ra các giải pháp quản lý, bảo vệ.
Kết quả nghiên cứu của các đề tài đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn, như: Lập hồ sơ khoa học về các giá trị của Vịnh Hạ Long; lắp đặt biển cảnh báo và triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, đổ lở trên vịnh; phục dựng một số nét văn hóa tiêu biểu của ngư dân làng chài trên Vịnh Hạ Long, khai quật, trưng bày các di chỉ khảo cổ nhằm bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa – lịch sử và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; thực hiện điều chỉnh hệ thống chiếu sáng trong hang động nhằm ức chế sự phát triển của thực vật; xây dựng Đề cương Kế hoạch quản lý du lịch Vịnh Hạ Long bền vững, phù hợp với sức tải đã xác định…
Nhằm giảm thiểu tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội trên và ven bờ vịnh đến tài nguyên, môi trường di sản, nhiều chủ trương, định hướng được tỉnh đưa ra, như: Thay thế phao xốp trên các công trình nổi trên vịnh bằng các vật liệu bền vững, thân thiện môi trường; di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực vùng đệm; không cấp phép hoạt động các nhà máy có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường Vịnh Hạ Long; thực hiện lộ trình đóng cửa các mỏ than khai thác lộ thiên.
Chất thải phát sinh từ các hoạt động kinh tế – xã hội trên vịnh được tập trung quản lý, kiểm soát. Toàn bộ tàu du lịch có hệ thống xử lý nước thải lẫn dầu; các tàu du lịch đóng mới phải lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt bảo đảm quy chuẩn; hệ thống xử lý nước thải tại các điểm tham quan trên vịnh được đầu tư nâng cấp, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý, bảo đảm đạt tiêu chuẩn.
Nhằm lan tỏa thông điệp về một Vịnh Hạ Long xanh và huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế xanh tại khu vực di sản, từ năm 2019, chương trình ‟Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” được phát động, triển khai. Tiến hành phân loại rác thải tại nguồn, tái chế và sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường; xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển, góp phần nâng cao năng lực cho người dân, học sinh, hộ kinh doanh, cộng đồng về các kiến thức và biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, giải pháp để quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế – xã hội trên Vịnh Hạ Long được tăng cường. Theo đó, các vụ vi phạm trên vịnh được tăng cường kiểm tra và xử lý kịp thời. Tiếp tục rà soát, có biện pháp xử lý các trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép tại khu vực bảo vệ tuyệt đối và vùng đệm, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, sử dụng ngư cụ cấm tại khu vực giáp ranh Vịnh Hạ Long – Cát Bà.
Các tàu du lịch được quản lý theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường, hiệu suất khai thác và giám sát thông qua các thiết bị hiện đại như GPS, camera… Các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh được kiểm soát chặt chẽ, từng loại hình được quy định khu vực hoạt động và xây dựng phương án tổ chức quản lý…
Điểm sáng trên bản đồ du lịch khu vực
Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp gia tăng giá trị di sản thông qua phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch và nâng cao trải nghiệm của du khách. Theo đó, hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng của Vịnh Hạ Long, như: Du lịch nghỉ đêm trên Vịnh; du thuyền khám phá; tham quan, trải nghiệm giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng ngư dân trên vịnh và các di tích khảo cổ; trải nghiệm đò chèo tay, kayak; trải nghiệm Vịnh Hạ Long từ trên cao với thủy phi cơ…
Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị của tỉnh tiếp tục khảo sát, nghiên cứu và lựa chọn những khu vực có tiềm năng để phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, có tính cạnh tranh cao để hướng đến thị trường khách du lịch cao cấp, như: Trải nghiệm tắm biển và dịch vụ thư giãn tại các bãi cát nhỏ có cảnh quan hoang sơ, không gian riêng tư trên Vịnh Hạ Long; biểu diễn nhạc nhẹ dân tộc; khám phá hệ sinh thái tùng – áng kết hợp câu cá thư giãn…; triển khai đánh giá sức tải du lịch khu di sản Vịnh Hạ Long; xây dựng phương án giãn tuyến, phân tải khách tại các điểm tham quan phục vụ quản lý, điều tiết sức tải các điểm tham quan, giảm tải cho khu vực di sản. Công bố 8 hành trình tham quan trên Vịnh Hạ Long…
Tiếp tục duy trì và mở rộng mối quan hệ với các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Giai đoạn từ năm 2020 đến hết năm 2024, mặc dù có giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, di sản Vịnh Hạ Long đã tổ chức đón tiếp, phục vụ trên 9 triệu lượt khách, kết quả thu phí tham quan đạt hơn 2.000 tỷ đồng, góp phần tăng thu ngân sách và tăng nguồn lực đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn các giá trị của Vịnh Hạ Long.
Với những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo Công ước Di sản thế giới, Vịnh Hạ Long đã và đang trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực. Tại kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới được tổ chức tại Ả-rập Xê-út vào tháng 9/2023, Ủy ban Di sản thế giới đã ghi nhận và biểu dương Quốc gia thành viên Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh vì những nỗ lực và trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các giải pháp hiệu quả để quản lý, bảo vệ tính toàn vẹn và bền vững khu di sản Vịnh Hạ Long phù hợp với Công ước Di sản thế giới.
Trong đó, một số giải pháp điển hình mà Quảng Ninh đã triển khai được đánh giá cao, như: Xây dựng Kế hoạch quản lý di sản; triển khai đánh giá sức tải du lịch khu di sản; tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường; xây dựng đề cương chiến lược quản lý bền vững du lịch Vịnh Hạ Long; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi kinh tế “xanh”…
Để hài hoà giữa bảo tồn và phát triển
Mặc dù vậy, hiện vẫn còn không ít vấn đề đặt ra trong việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo tinh thần Công ước Di sản thế giới và tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Bởi lẽ, Vịnh Hạ Long ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, đồng nghĩa với thách thức trong công tác quản lý, bảo tồn khi mà di sản có địa bàn trải rộng trên môi trường biển, cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế – xã hội đan xen phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như: Du lịch; nuôi trồng, khai thác thủy sản; giao thông cảng biển… Khu vực ven bờ vịnh cũng tiếp giáp với nhiều địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ… luôn tạo ra nhiều sức ép đa chiều.
Bên cạnh đó, một số thể chế, cơ sở pháp lý liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn thiếu hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể, nhất là từ tháng 9/2023, di sản Vịnh Hạ Long được UNESCO điều chỉnh mở rộng ranh giới sang quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) trở thành di sản liên tỉnh.
Trong khi đó, nhận thức về bảo vệ, bảo tồn các giá trị của di sản và ý thức bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long của một bộ phận cộng đồng chưa đầy đủ, chưa có chuyển biến tích cực. Thêm nữa, lượng khách du lịch tăng mạnh tại một số khu vực, điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long kéo theo nhu cầu tăng cường dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và làm suy giảm nguồn tài nguyên du lịch, đồng thời làm giảm chất lượng trải nghiệm của du khách…
Những vấn đề này đòi hỏi tiếp tục có những giải pháp hiệu quả để có thể quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long đảm bảo theo Công ước Di sản thế giới trong thời gian tới đây.