Trong tháng 1, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt hơn 3,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2024. Ðây là con số ấn tượng, bởi thời điểm này sức mua thấp và đã qua các mùa lễ hội. Ðiều đó không chỉ phản ánh nhịp tăng trưởng ổn định của ngành mà còn là động lực thúc đẩy doanh nghiệp gia tăng sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Kim ngạch đạt 44 tỷ USD trong năm 2024 giúp ngành dệt may Việt Nam quay trở lại vị trí xuất khẩu thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên, trước nhiều diễn biến khó đoán định của thị trường cùng chi phí vận chuyển, nguyên liệu tăng cao…, doanh nghiệp dệt may cần chủ động các giải pháp ứng phó nhằm duy trì đà tăng trưởng.
Thúc đẩy phát triển
Giám đốc điều hành Tổng công ty cổ phần Phong Phú Trương Thị Ngọc Phương cho biết, năm 2024, tổng doanh thu của đơn vị đạt 2.550 tỷ đồng, tăng 20,7%; lợi nhuận trước thuế đạt 352 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2023. Năm 2025, đơn vị phấn đấu doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận 355 tỷ đồng.
Ðể hoàn thành kế hoạch đề ra, bên cạnh việc đào tạo, nâng cao trình độ người lao động, công tác quản trị, đơn vị tiếp tục đầu tư các trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ tự động hóa, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, tiết giảm chi phí,… nhằm gia tăng hiệu quả.
“Ðơn vị sẽ tiếp tục đổi mới cách tiếp cận dựa trên diễn biến thực tế trên thị trường, tổ chức sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, phát huy tối đa hiệu quả, hiệu suất nhân sự, đồng thời mở rộng cơ sở, thúc đẩy sản xuất để sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra”, bà Trương Thị Ngọc Phương nhấn mạnh.
Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng công ty Ðức Giang Phạm Tiến Lâm cho rằng, năm qua, doanh thu của đơn vị đạt 2.396 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 103,5 tỷ đồng, bằng 116% so với năm 2023. Năm 2025, đơn vị phấn đấu kim ngạch xuất khẩu khoảng 90 triệu USD, tăng 10%; lợi nhuận 28-30 tỷ đồng, tăng khoảng 25%, tăng trưởng quay về mức trước dịch Covid-19,… “Tổng công ty tập trung vào ba nhóm giải pháp chính bao gồm: Tìm hiểu, thích ứng, thay đổi.
Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu phải cải thiện tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất lao động để bảo đảm doanh thu đạt ít nhất 25 USD/người/ngày, thu nhập của người lao động, bằng 1,3 lần GRDP tại địa phương đặt nhà máy sản xuất. Ðồng thời tập trung chuyên sâu vào những mặt hàng, thị trường có thế mạnh nhằm gia tăng giá trị, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường”, Tổng Giám đốc Phạm Tiến Lâm khẳng định.
Trước những diễn biến mới của thị trường, thời gian qua, ngành dệt may đã đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó giúp tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của ngành đạt 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023. Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến hết tháng 6 và đang tiếp tục đàm phán cho những tháng tiếp theo. Tuy nhiên, đơn giá vẫn ở mức thấp, chưa thể quay về thời điểm trước dịch Covid-19. Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)
|
Không chỉ đơn giá không tăng mà đơn hàng có xu hướng ngày càng ngắn do tâm lý tiêu dùng toàn cầu thay đổi, dẫn đến khách hàng xác nhận đơn hàng trong thời gian ngắn, yêu cầu chất lượng cao, thời gian giao nhanh và kết cấu sản phẩm phức tạp hơn. Do đó, để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng, các doanh nghiệp cần chủ động các giải pháp nhằm ứng phó với biến động thị trường, tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu hàng hóa.
Tăng sức cạnh tranh
Năm 2025, ngành dệt may được dự báo tiếp tục đối diện hàng loạt khó khăn do thiếu lao động, sức cạnh tranh ngày càng gay gắt, chuỗi cung ứng tiềm ẩn nhiều rủi ro, chi phí đầu vào tăng cao… Ðiều này sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu khẳng định: Việt Nam đang đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong các cường quốc xuất khẩu dệt may, với mức tăng trưởng khoảng 11%/năm. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Bangladesh, Ấn Ðộ,… đang có dấu hiệu suy giảm.
Cùng với đó, việc Mỹ áp thuế đối với Trung Quốc cũng là cơ hội để Việt Nam đón nhận dịch chuyển đơn hàng và gia tăng trưởng thị phần nếu tuân thủ tốt các quy định liên quan. “Trong sáu tháng đầu năm nay, dự báo ngành dệt may sẽ tiếp đà tăng trưởng của cuối năm 2024 và có nhiều tín hiệu tăng trưởng tốt khi một số thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, EU,… đang phục hồi kinh tế, qua đó cải thiện thu nhập, tăng tiêu dùng cá nhân.
Ðối với những tháng cuối năm, sức cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt khi được dự báo sẽ phục hồi và trở lại trạng thái bình thường từ sau quý II. Do đó, Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi do chi phí lao động cao gần gấp ba lần Bangladesh, giá nguyên phụ liệu, chi phí vận chuyển tiếp tục tăng cao… Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may cần nâng cao quản trị, tiết giảm chi phí và đầu tư nâng cao năng suất, gia tăng giá trị,… để tăng tính cạnh tranh trên thị trường”, ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường, để hoàn thành mục tiêu tăng 6% về doanh thu và 10% về lợi nhuận so với năm 2024, tập đoàn sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng theo kỳ vọng. Trong đó, tiếp tục rà soát, tinh chỉnh bộ máy bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tập đoàn, tận dụng triệt để có lợi thế thương lượng, đàm phán, tham gia chuỗi.
Nghiên cứu mô hình hoạt động của ban sản xuất, kinh doanh may nhằm thực hiện nhiệm vụ là động lực kéo, tác nhân chính hình thành chuỗi nội bộ tập đoàn; hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển ngành sợi, chuẩn hóa phương thức quản trị và nâng chuẩn đối sánh doanh nghiệp sợi; phải có sản phẩm mới, mô hình thí điểm mới,…
Về dài hạn, Vinatex tiếp tục kiên định với chiến lược “trở thành một điểm đến có khả năng cung ứng trọn gói giải pháp xanh cho khách hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với quy mô hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Ðể thực hiện chiến lược này, Tập đoàn sẽ tập trung một số mục tiêu chính về nhân sự, phát triển bền vững trên bốn trụ cột về môi trường, xã hội, quản trị, tài chính (ESGF); phát huy năng lực nội sinh của từng doanh nghiệp, liên kết cả chiều dọc và chiều ngang trong các doanh nghiệp, chia sẻ nguồn lực hoạt động tổng hợp thành sức mạnh chung toàn tập đoàn,…
Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư cho kỹ thuật, công nghệ để nâng cao năng suất, giảm sự phụ thuộc vào lao động cũng như nghiên cứu, xây dựng phương án đầu tư thử nghiệm các nhà máy thông minh cấp tập đoàn để tăng sức cạnh tranh, khẳng định vị thế trong chuỗi dệt may toàn cầu.
Trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng từ 8 đến 10% của ngành, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động các giải pháp thích ứng biến động thị trường, đẩy mạnh đầu tư phát triển mẫu, mở rộng thị trường, khách hàng cũng như tận dụng tốt những cơ hội mang lại, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang khẳng định: Các FTA giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, khách hàng, qua đó đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của ngành. Ðặc biệt, Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tạo ra cơ hội lớn cho dệt may Việt Nam tiếp cận các thị trường mới như Canada, Australia, New Zealand,…
Trước những áp lực cạnh tranh từ đối thủ, các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ người lao động; linh hoạt trong sản xuất, chấp nhận các đơn hàng khó, có tính kỹ thuật cao, thời gian sản xuất ngắn, giao hàng nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.