Hát đúm ở vùng ven biển Quảng Ninh, đặc biệt tại TX Quảng Yên là loại hình dân ca độc đáo xuất hiện từ lâu đời và đang rất cần được bảo tồn. Việc lan toả nghệ thuật hát đúm ngày một rộng rãi trong đời sống nhân dân, góp phần bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hoá truyền thống này là hết sức cần thiết.
Ở Quảng Yên, hát đúm được du nhập từ thời các vị Tiên công đến quai đê lấn biển, xây dựng mảnh đất này thành làng mạc. Trong quá trình lao động vất vả đó, hát đúm chính là những lời ca, tiếng hát để xua đi cực nhọc. Và rồi hát đúm cứ thế được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được nuôi dưỡng bởi chính mạch nguồn văn hoá dân gian…
Ông Ngô Đình Dũng, Trưởng Phòng VH-TT TX Quảng Yên, cho biết: TX Quảng Yên luôn quan tâm, chú trọng đến công tác giáo dục, bồi dưỡng âm nhạc truyền thống cho thế hệ trẻ. Chúng tôi đã phối hợp chỉ đạo, tạo điều kiện mở các lớp truyền dạy hát đúm miễn phí cho học sinh một số trường học; quan tâm hướng dẫn các trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, giáo dục âm nhạc truyền thống, đặc biệt đưa hát đúm vào dạy tại nhiều trường; tạo nhiều sân chơi bổ ích về loại hình văn hóa dân gian dành cho lớp trẻ… Từ năm 2003, thị xã đã thành lập CLB hát đúm, với nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích. Nghệ thuật hát đúm cũng được đưa vào biểu diễn ở các lễ hội và chương trình nghệ thuật dân gian.
Dịp hè năm 2024, Đoàn phường Phong Cốc và Phong Hải đã tổ chức các lớp học hát đúm cho học sinh ở đủ mọi lứa tuổi. Lớp học do Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Thanh Quyết (phường Phong Hải), Chủ nhiệm CLB hát đúm Quảng Yên đứng lớp, truyền dạy những làn điệu hát đúm đặc trưng của quê hương Quảng Yên.
Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Thanh Quyết – người hơn 50 năm qua luôn trăn trở để phát triển nét đẹp văn hóa đặc sắc của hát đúm, chia sẻ: Trước làn sóng âm nhạc đương đại, để cuốn hút học sinh tham gia loại hình nghệ thuật hát đúm là điều không dễ, đòi hỏi người nghệ nhân phải tâm huyết, đam mê. Để các cháu có hứng thú và tích cực tham gia học tập, tôi phải lựa chọn những bài hát phù hợp với lứa tuổi, dễ thuộc, dễ nhớ để truyền dạy, đặc biệt là các bài hát đúm có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, qua đó bồi đắp thêm tình yêu quê hương cho thế hệ trẻ.
Mặc dù hát đúm là làn điệu ca cổ, không dễ để có thể hát, nhưng các em học sinh đều rất chăm chỉ luyện tập, sớm nắm bắt được giai điệu, nội dung bài hát và tỏ ra khá hào hứng khi được biết thêm một nét văn hóa dân gian độc đáo của quê hương. Lê Văn Bảo Nhật (phường Phong Hải) chia sẻ: Em rất vui khi mùa hè vừa qua được tham gia học hát đúm. Lúc đầu em chưa quen nên cũng thấy hơi khó hát, nhưng sau vài buổi học, khi đã thuộc lời và giai điệu thì những bài hát trở nên quen thuộc và dễ học hơn. Vì thế em đi học hát đúm đều đặn, không nghỉ buổi nào.
Ngoài việc tham gia lớp học hát đúm tại trụ sở UBND phường Phong Hải, học sinh còn được học hát và biểu diễn trong không gian đình Cốc để cảm nhận được giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong không gian di tích. Mỗi tối cuối tuần, không gian đình Cốc lại vang lên những làn điệu quê hương. Chính việc gắn sinh hoạt hè với truyền dạy bản sắc văn hoá của dân tộc đã thu hút học sinh đến sinh hoạt hè đông hơn, đều đặn hơn.
Bên cạnh luyện tập hát đúm, từ năm 2016 Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Thanh Quyết cùng các nghệ nhân trong CLB hát đúm cũng tham gia giảng dạy ngoại khoá hát đúm tại nhiều trường học trên địa bàn thị xã. Qua đó, giúp cho học sinh hiểu hơn về văn hóa địa phương và lan tỏa, bảo tồn để hát đúm không bị phai mờ theo năm tháng.
Hơn 20 năm gần đây, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Thanh Quyết luôn “lặn lội” đến mọi thôn xóm nơi có các cụ cao tuổi biết hát đúm để sưu tầm những bài hát cổ và thực hiện sứ mệnh bảo tồn làn điệu cổ. Năm 2003, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Thanh Quyết đã xuất bản cuốn sách “Hát đúm Hà Nam – Yên Hưng”, trong đó bao gồm hơn 2.000 bài hát đúm cổ. Cuốn sách đã và đang trở thành tư liệu quý để gìn giữ và lan tỏa những làn điệu hát đúm truyền thống. Hiện nay, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Thanh Quyết cũng đang hoàn thiện và chuẩn bị xuất bản một cuốn sách nữa về nghệ thuật hát đúm.