Cùng với những nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, người Dao huyện Hải Hà luôn chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, tạo dựng nên các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc từ tiếng nói, chữ viết đến trang phục và nếp sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng, tâm linh.
Những người bảo tồn văn hóa truyền thống
Nghệ nhân Diềng Chống Sếnh (SN 1952, thôn 3, xã Quảng Sơn) gắn bó cả đời mình với văn hóa thêu thùa trang phục, cách vấn tóc của người Dao. Từ nhỏ bà đã có niềm đam mê với nghệ thuật thêu thùa trang phục của dân tộc mình.
Bằng sự tâm huyết, tình yêu đối với các giá trị văn hóa dân gian, không thể để bản sắc văn hóa của dân tộc mình bị mai một theo thời gian, bà đã nỗ lực truyền dạy lại cho con cháu trong nhà cũng như các thế hệ trẻ trong xã về nghệ thuật thêu thùa trang phục dân tộc, cách vấn tóc. Bà tận tình giảng giải về ý nghĩa của từng nét hoa văn để thế hệ trẻ thêm yêu và biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của đồng bào mình. Với những nỗ lực, quyết tâm, sự ân cần chỉ bảo tận tình của bà, thế hệ trẻ của xã Quảng Sơn hiểu và cảm nhận ý nghĩa, thêm say mê với nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Xã Quảng Đức hiện có hơn 98% dân số là người Dao Thanh Y. Sau khi nghỉ hưu, ông Phùn Hợp Sềnh (SN 1950, bản Nà Lý) đã chuyên tâm với công việc gìn giữ, truyền dạy chữ viết Nôm Dao cho thế hệ trẻ và giúp đỡ người dân trong bản, làng liên quan đến các hoạt động thờ, cúng.
Ông Sềnh chia sẻ: Thầy cúng có một vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của người Dao. Họ là các thầy đồ, thầy cúng giỏi về chữ Nôm Dao và hiểu sâu về thế giới tâm linh của người Dao. Một người đàn ông dân tộc Dao trưởng thành nhất thiết phải biết cúng, trước tiên là để cúng tổ tiên. Giỏi hơn nữa là làm thầy cúng cao tay. Muốn trở thành thầy cúng trong cộng đồng người Dao phải biết đọc và viết thành thạo chữ Nôm Dao. Để chữ Nôm Dao không bị mai một, tôi đã dày công sưu tầm, dịch thuật để in thành các bộ sách truyền dạy cho mọi người, nhất là các thế hệ trẻ. Con em người Dao các độ tuổi đến nhà học chữ viết cho thành thạo rồi học tiếp chữ nghĩa, văn cúng, các nghi thức… ghi chép trong sách vở do tổ tiên lưu truyền lại. Với người Dao, sách là báu vật. Nhờ sách, người Dao giữ được con chữ, giữ được lề lối, đạo nghĩa, lời răn dạy tổ tiên để làm người cho đúng.
Ông Sềnh đã dịch, in sách truyền dạy cho hàng trăm người Dao trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành trong nước. Hàng trăm người đến nhà ông học chữ, học cách cúng bái để giữ gìn nét văn hoá truyền thống của dân tộc.
Nói đến văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Dao Thanh Y phải kể đến nghi lễ cấp sắc – nghi lễ quan trọng nhất trong cuộc đời một nam giới người Dao.
Sinh năm 1956 tại bản Lý Nà, xã Quảng Đức, năm 18 tuổi ông Tằng Phúc Sồi đã “cắp tráp” theo thầy để học và thực hành nghề thầy cúng. Cả cuộc đời học hỏi, ông trở thành một thầy cúng cao tay, cấp sắc cho hàng trăm người.
Ông Sồi cho biết: Đối với người con trai Dao Thanh Y, dù có nhiều tuổi đến đâu mà chưa trải qua lễ cấp sắc coi như chưa có tên, chưa ghi danh và chưa được cộng đồng và các thần linh công nhận, sống không được tôn trọng. Những nam giới đã qua cấp sắc mới được đặt tên, được coi là người trưởng thành, được phép tham gia vào những công việc hệ trọng của làng, bản, đủ tư cách thắp hương bàn thờ các ngày lễ, tết, cúng tổ tiên, đi cúng cầu may, cầu mùa cho hàng xóm, khi chết được về đoàn tụ với tổ tiên. Trong lễ cấp sắc, thầy cúng sử dụng tiếng Nôm Dao thực hành các nghi lễ, trong đó có nhiều nội dung răn dạy về truyền thống, phong tục tập quán, khuyên răn đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế để hướng tới cái thiện, tránh xa điều xấu, điều ác… Đây là một nghi lễ không thể thiếu trong cuộc đời của một người đàn ông Dao.
Phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trong đồng bào dân tộc
Ông Bùi Thanh Tuấn, Trưởng Phòng VH-TT huyện, cho biết: Hải Hà có 11 dân tộc. Để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc, trong đó có dân tộc Dao, huyện đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy các nét văn hoá truyền thống, như thêu trang phục, hát đối, cấp sắc… và thông qua các hoạt động văn hoá cộng đồng trong các ngày lễ, tết; Ngày hội VH-TT các dân tộc… Đặc biệt, huyện luôn quan tâm giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh, giúp các em nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Các Trường PTDT nội trú Hải Hà, Trường PTDT bán trú THCS Quảng Đức, Trường PTDT bán trú THCS Quảng Sơn… đã xây dựng kế hoạch giáo dục đặc thù gắn với giảng dạy văn hoá truyền thống của các dân tộc; tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc hằng năm; các chương trình ngoại khóa “Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc”; giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt tại trường. Các nhà trường duy trì việc mặc trang phục dân tộc vào thứ 2, 4, 6 hằng tuần và các ngày lễ trong năm học.
Thầy giáo Trần Văn Trọng, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Quảng Đức, cho biết: Nhà trường có 295/301 học sinh là dân tộc Dao Thanh Y. Cùng với xây dựng kế hoạch giáo dục đặc thù, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa “Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Dao xã Quảng Đức” cho học sinh với sự tham gia hướng dẫn của các Nghệ nhân dân gian, nhằm giáo dục, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Thầy giáo Bùi Mạnh Duy, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Hải Hà, nơi có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, cho biết: Hằng năm, nhà trường tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc để tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc có con em đang theo học tại trường, qua đó giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện. Ngày hội diễn ra với các nội dung đặc sắc như: Thi trình diễn trang phục dân tộc, văn hoá ẩm thực, trưng bày gian hàng chợ xuân, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian; thực hành nghi lễ cấp sắc, lễ cưới của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y… Qua đó, tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc, động viên, khích lệ các em nâng cao ý thức gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, không ngừng sáng tạo, làm giàu thêm nền văn hoá dân tộc Việt Nam.
Với việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao đã góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá của huyện. Mới đây, nghi lễ cấp sắc của người Dao Quảng Ninh đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, sẽ được công bố tại Lễ hội Sóng Mun, xã Quảng Đức (ngày 2/2 âm lịch).