Những năm qua, huyện Vân Đồn đã tích cực bảo tồn các làn điệu dân ca Soọng cô, trò chơi dân gian, ngữ văn dân gian và tiếng nói, chữ viết, nghề thủ công truyền thống, lễ cấp sắc, vũ điệu hành quang và lễ hội Đại phan… của đồng bào dân tộc Sán Dìu trên địa bàn.
Tại Vân Đồn, xã Bình Dân có đông đồng bào Sán Dìu nhất với hơn 90% là người dân tộc Sán Dìu. Từ năm 2016, xã đã thành lập CLB hát Soọng cô với 25 thành viên. CLB có 4 nghệ nhân đã được công nhận là Nghệ nhân dân gian Việt Nam là các ông, bà Tô Thị Tạ, Trương Thị Choong, Trương Thị Chúc, Tô Văn Quảng. Các nghệ nhân rất tích cực truyền dạy lại cho thế hệ sau những làn điệu, câu hát mang đậm bản sắc dân tộc.
Ông Tô Văn Lưu, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Bình Dân, cho biết: Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá của người Sán Dìu, chúng tôi đã thành lập CLB hát Soọng cô, xây dựng đội biểu diễn múa hành quang, nghi lễ Đại phan và hát dân ca Sán Dìu để phục vụ các lễ hội, các sự kiện của huyện, của tỉnh. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung sưu tầm các nông cụ truyền thống trong lao động sản xuất của đồng bào Sán Dìu, đưa di sản văn hoá Sán Dìu vào trường học truyền dạy cho học sinh và khuyến khích cán bộ xã, học sinh trong xã mặc trang phục Sán Dìu để nhớ về nguồn cội dân tộc.
Huyện Vân Đồn triển khai nhiều hoạt động như khôi phục miếu thờ Thành hoàng làng, bảo tồn nhà văn hóa dân tộc, bảo tồn trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực truyền thống và bảo tồn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao mà chỉ có ở vùng đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống. Huyện Vân Đồn còn xây dựng Trung tâm Văn hóa xã kết hợp với nhà truyền thống dân tộc Sán Dìu tại xã Bình Dân, tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng, tổ chức Ngày hội văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Sán Dìu, nghệ thuật diễn xướng hát Soọng cô, múa hành quang, lễ leo dao, lễ lội than và một số trò chơi dân gian…
Ngày 26/6/2020, UBND huyện Vân Đồn ban hành Quyết định số 2427/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn giai đoạn 2020-2022. Đề án được cấp ủy, chính quyền huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng, nhân dân hưởng ứng tích cực. Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Đồn, chia sẻ: Từ đề án này, chúng tôi đã dành nguồn lực xứng đáng cho công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hoá vật thể như xây dựng trung tâm bảo tồn văn hoá Sán Dìu tại xã Bình Dân, đồng thời mở các lớp truyền dạy hát Sọong cô, múa hành quang, phong tục tập quán, chữ viết của đồng bào Sán Dìu cũng như các giá trị văn hoá phi vật thể khác.
Triển khai Nghị quyết 06 của Tỉnh uỷ ngày 17/5/2021 “Về phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, huyện Vân Đồn tiếp tục lồng ghép các nội dung của Đề án nói trên với việc thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết đã nêu.
“Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” thì huyện Vân Đồn đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh triển khai các đề án đã được phân bổ nguồn lực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của đồng bào Sán Dìu, trong đó có hát dân ca Soọng cô, lễ hội dân gian Đại phan, di sản tiếng nói, chữ viết. Chúng tôi xác định việc này không chỉ là bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản mà còn biến di sản thành tài nguyên cho du lịch, thành sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá theo hướng phát triển bền vững” – ông Đào Văn Vũ cho biết thêm.