Theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới cả về số lượng lẫn tính chất vụ việc.
Từ năm 2012 trở lại đây, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới, đạt được nhiều kết quả tích cực cả về phạm vi và mức độ; cả về số lượng lẫn tính chất vụ việc.
Để đạt được kết quả này đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, Nghiên cứu viên của Trung tâm Tương lai Chính sách thuộc Đại học Queensland, Australia, đã đưa ra nhận định trên trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, quyết tâm đó được thể hiện qua chủ trương là xử lý tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, ở vị trí nào”; “chống tham nhũng trước hết là chống tham nhũng và xử lý những người trong bộ máy chống tham nhũng”; và có cơ chế để “không muốn tham nhũng; không dám tham nhũng; không thể tham nhũng; không cần tham nhũng.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giờ đây đã trở thành xu thế không thể đảo ngược.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải nêu rõ quyết tâm trên xuất phát từ 3 điểm. Trước tiên là nhận thức về nguy cơ do tham nhũng đối với chế độ. Quyền lực dễ dẫn đến tha hóa và tham nhũng, trong khi tham nhũng giống như con mọt trong cột gỗ, cứ gặm nhấm và làm mục ruỗng cái cột để rồi đến một ngày cái cột sụp đổ. Do vậy, chống tham nhũng trước hết để bảo vệ chế độ.
Thứ hai, đất nước đã bước vào giai đoạn phát triển mới từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.”
Rõ ràng, chống tham nhũng có quan hệ với kết quả thực hiện mục tiêu này. Xã hội văn minh không chỉ bằng vật chất, mà văn minh còn phải có và xuất phát từ trong tiềm thức, tư duy và được thể hiện bằng hành động của mỗi cá nhân chủ thể trong xã hội đó. Vì vậy, không chống tham nhũng đến cùng, không chặn được tham nhũng thì khó hoàn thành mục tiêu trên một cách thực chất.
Thứ ba, đó là vì danh dự và uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với người dân trong nước và đối với bạn bè nước ngoài.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải tin rằng nếu có chỉ số đánh giá mức tín nhiệm tích cực của người dân về công cuộc chống tham nhũng, chắc chắn chỉ số đó sẽ tăng qua từng năm.
Theo ông, số vụ việc tham nhũng được xử lý công khai càng nhiều sẽ càng nâng cao mức độ tín nhiệm đối với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Liên quan vấn đề này, Tiến sỹ Chu Hoàng Long, chuyên gia về kinh tế Việt Nam tại Đại học Quốc gia Australia nhấn mạnh việc Việt Nam thăng hạng trong báo cáo Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) gần đây nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế là dấu hiệu cho thấy đánh giá về chống tham nhũng của Việt Nam đã tạo ra những chuyển biến rõ rệt dưới con mắt của các chuyên gia quốc tế.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney, Tiến sỹ Chu Hoàng Long lưu ý trong báo cáo CPI mới nhất, Tổ chức Minh bạch quốc tế kết luận trong số 180 nước được xếp hạng, 31 nước có tình hình tham nhũng xấu đi, 124 nước dẫm chân tại chỗ và chỉ có 25 nước có tiến bộ. Việt Nam là một trong số 25 nước đó, tăng 3 điểm và 10 bậc so với xếp hạng lần trước.
Theo Tiến sỹ Chu Hoàng Long, nhìn vào chỉ số này, có thể nói Việt Nam là một điểm sáng trong phòng chống tham nhũng.
Tiến sỹ Chu Hoàng Long cho rằng chống tham nhũng là một quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi sự vững tin về chủ thuyết và lý luận, cùng sự quyết liệt và sức mạnh chính trị. Để chống tham nhũng cần phải tập trung vào các nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tham nhũng.
Các nghiên cứu và kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra rằng nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tham nhũng là sự thiếu minh bạch, qua đó cho thấy sự cần thiết của việc tăng cường hơn nữa tính minh bạch trong việc thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan quản lý./.