Xuất phát từ nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của văn hóa đọc cùng niềm đam mê, tình yêu dành cho sách, không ít gia đình đã tích cực sưu tầm, xây dựng tủ sách đa dạng, phong phú với các thể loại, lĩnh vực, kiến thức. Qua đó, nhằm tạo dựng thói quen đọc sách cho mỗi thành viên, góp phần bồi đắp tri thức, hình thành nếp sống văn minh, lành mạnh.
Mặc dù công việc khá bận rộn, song chị Lương Hồng Mỹ (SN 1984) trú tại phường Yết Kiêu (TP Hạ Long) luôn dành thời gian cố định vào mỗi buổi tối để đọc sách cùng con. Đặc biệt, chị thường xuyên tới các nhà sách, tìm kiếm trên các trang bán hàng điện tử để mua cuốn sách hay, bổ ích. Mỗi lần có dịp đến vùng đất mới, chị cũng cố gắng tìm kiếm những cuốn sách, tài liệu viết về lịch sử – văn hóa, giới thiệu về đất và người nơi đây để làm phong phú thêm tủ sách gia đình. Đến nay, tủ sách của gia đình chị ngày càng mở rộng về cả số lượng và chất lượng với trên 200 đầu sách về lịch sử, văn hóa, văn học, nghệ thuật, khám phá thế giới, ngoại ngữ, rèn luyện tư duy, kỹ năng sống…
Chị Lương Hồng Mỹ chia sẻ: Cùng với việc xây dựng tủ sách gia đình thông qua việc mua sách có chọn lọc, lựa chọn sách phù hợp với sở thích, nhu cầu, lứa tuổi, khả năng tiếp nhận của các thành viên trong gia đình và những đầu sách có chất lượng, có tác giả, đơn vị uy tín xuất bản thì tôi đặc biệt quan tâm đến xây dựng, duy trì thói quen, kỷ luật đọc sách hằng ngày. Thêm nữa, tôi chú trọng định hướng cho con đọc sách gắn với khám phá thực tế từ việc xem phim, đi du lịch, tra cứu thông tin trên mạng internet để con có những hình dung cụ thể, đối chiếu, so sánh từ những kiến thức, thông tin được tiếp nhận từ sách với thế giới, xã hội, môi trường thực tế, giúp việc đọc sách trở nên gần gũi, thú vị và thật sự có ý nghĩa.
Là một người yêu sách, luôn gắn bó, nối dài tình yêu với sách từ những ngày còn nhỏ đến bây giờ, chị Mỹ đã và đang truyền lại niềm đam mê với sách đó cho con trai của mình là bé Trần Đức Cường (SN 2012). “Em thường dành 30 phút đến 1 tiếng để đọc sách mỗi ngày và vào dịp cuối tuần có thể nhiều hơn. Từ việc đọc nhiều sách em thấy mình có thêm kiến thức, ghi nhớ tốt hơn và có vốn từ vựng phong phú hơn. Em thích đọc sách về lịch sử, văn hóa và cả truyện tranh để giải trí” – Em Cường cho biết.
Cũng giống như chị Mỹ, chị Phạm Thị Quỳnh Loan (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) cũng đã ươm mầm, nuôi dưỡng, chắp cánh tình yêu với sách cho các thành viên trong gia đình và cả những học sinh, bạn bè của mình. Khi đọc thấy cuốn sách chị đều chia sẻ cho bạn bè và ngược lại cũng nhận được sự chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp về những cuốn sách thú vị, hữu ích hay dành tặng nhau những món quà bằng sách để làm “giàu” thêm tủ sách và vốn kiến thức của mình.
Chị Loan tâm sự: Trước kia là một học sinh chuyên văn và giờ là một cô giáo dạy môn Ngữ Văn vì vậy với tôi, việc đọc sách như một yêu cầu tất yếu. Trong gia đình, tôi rèn cho các con tôi quen đọc sách từ khi còn rất nhỏ khi 1-2 tuổi với các loại sách Ehon Nhật bản, rồi đến truyện cổ tích Việt Nam, sách văn học thiếu nhi Việt Nam. Đến khi vào lớp 1 đọc được chữ là các con đã tự đọc sách, yêu thích và say mê đọc sách. Tôi và các con cũng thường cùng nhau quay video giới thiệu sách, viết cảm nhận về cuốn sách mà mình yêu thích; trao đổi về một số nội dung của cuốn sách khi con chưa hiểu hết… Thông qua những hoạt động như vậy chúng ta có thể đồng hành cùng con, tạo hứng thú cho các bạn nhỏ hình thành thói quen đọc sách.
Chị Mỹ hay chị Loan chỉ là hai trong số rất nhiều người yêu sách, tâm huyết với việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong chính gia đình mình. Bằng những phương pháp linh hoạt, phù hợp khác nhau, một cách tự nhiên và gần gũi, các chị đã giúp mỗi thành viên trong gia đình coi việc đọc sách là niềm vui, trở thành thói quen tốt trong cuộc sống. Song để làm được điều đó, trước hết mỗi gia đình có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của đọc sách đối với việc nâng cao hiểu biết, làm giàu tri thức; phát triển, hoàn thiện nhân cách, trí tuệ cho mỗi thành viên để từ đây tạo dựng thói quen, phương pháp đọc sách hiệu quả. Cùng với đó, các cấp, các ngành, địa phương cũng cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa trong việc phát triển văn hóa đọc, hướng tới xây dựng xã hội học tập suốt đời đi vào chiều sâu, thực chất.