Lễ hội truyền thống đình Đầm Hà (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà) là một trong 36 Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được Bộ VH-TT&DL công nhận năm 2023 (Quyết định số 3423/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11/2023). Bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống là nhiệm vụ lâu dài, trong đó không chỉ có trách nhiệm của cơ quan chức năng, mà vai trò của cộng đồng cũng vô cùng quan trọng.
Gần đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ông Chu Xuân Đỗ cùng các thành viên Ban Quản lý đình Đầm Hà càng thêm tất bật với công việc chuẩn bị tổ chức lễ hội đình. Từ kiểm tra lại toàn bộ trang phục, cờ quạt, kiệu rước, cho đến họp rà soát nhân sự các đội tham gia lễ tế, quan viên, nhạc sinh…
Ông Đỗ cho biết: Năm 2024 lễ hội sẽ diễn ra trong một tâm thế đặc biệt hơn, bởi sự kiện lễ hội được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vừa qua. Vì vậy, nhân dân thị trấn nói riêng, toàn huyện nói chung chắc hẳn đều rất háo hức, mong chờ đến ngày khai hội. Đây sẽ là dịp để mọi người hướng về cội nguồn, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, trao truyền những giá trị tốt đẹp từ thời xa xưa cho thế hệ trẻ hôm nay.
Đình Đầm Hà được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Lễ hội truyền thống trước kia được tổ chức rất linh đình trong 6 ngày 5 đêm (từ ngày 15 đến 20 tháng Giêng). Hiện nay lễ hội được phục dựng, rút gọn lại còn 3 ngày 2 đêm, nhưng vẫn đảm bảo đủ các nghi thức rước, lễ, tế trang trọng, để cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa. Lồng ghép trong từng nghi thức còn là những điển tích lịch sử, nhằm giáo dục con cháu nhớ ơn tổ tiên, kính trọng thần, Phật.
Đặc biệt, trong ngày hội có một nghi thức là “Lễ Cáo trạng” để tôn vinh những người con của quê hương có thành tích trong học tập, đỗ đạt, thăng quan, tiến chức. Điều này cho thấy rõ tinh thần khuyến học, khuyến tài, xem trọng việc học hành đã được quy định trong lệ làng từ rất sớm. Thêm một nét độc đáo khác của Lễ hội đình Đầm Hà là hoạt động trình diễn Hát nhà tơ – Hát múa cửa đình truyền thống vẫn còn được các nghệ nhân lưu truyền đến ngày nay.
Sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư.
Để gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa lễ hội truyền thống, những năm qua huyện Đầm Hà luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác tổ chức lễ hội. Trong đó xác định di sản có sức sống bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng nắm giữ di sản. Các phòng, ban chuyên môn của huyện tích cực phối hợp với chính quyền cơ sở trong việc đồng hành, hỗ trợ người dân về phương pháp, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, truyền dạy, thực hành lễ hội… theo đúng tinh thần truyền thống.
Hằng năm, Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích đều đã xây dựng nội dung, chương trình, lựa chọn quy mô, cách thức tổ chức lễ hội phù hợp, hình thành nếp sống văn minh trong lễ hội. Quan trọng là khi người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình thì sẽ càng phát huy tốt vai trò tự quản của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Những năm gần đây, lễ hội đình còn được tổ chức cùng với Tuần lễ Văn hóa – Thể thao các dân tộc huyện Đầm Hà, giúp đem đến một không gian văn hóa đặc sắc dịp đầu năm mới tại địa phương.
Giữ gìn nét đẹp văn hóa cho Lễ hội đình Đầm Hà là khi những bản sắc truyền thống, tập quán tốt đẹp được kế thừa. Nhưng đồng thời đặt ra yêu cầu phải gắn liền với việc thực hiện nếp sống văn minh, kiên quyết ngăn chặn và xử lý các biểu hiện tiêu cực, hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi từ lễ hội.
Đình Đầm Hà được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII, là một trong những ngôi đình lớn, có không gian kiến trúc mang đậm nét đặc trưng của những ngôi đình cổ Việt Nam. Năm 1963, đình Đầm Hà cũng như nhiều ngôi đình khác trong huyện bị dỡ bỏ. Năm 2008, đình Đầm Hà được xây dựng lại nơi thờ tự với phần hậu cung đình tạm và ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân dân.
Với những giá trị của mình, năm 2010 đình Đầm Hà được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Năm 2012, đình Đầm Hà được đầu tư xây dựng lại theo kiến trúc truyền thống, bao gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, kiến trúc cổ mặt chữ “Đinh”, bốn mái. Đình thờ 12 vị tiền nhân của dòng họ Hoàng, họ Phan sinh sống lâu năm ở đây và 15 vị hậu thần đã góp công xây dựng đình.
|