Với 219 di tích lịch sử – văn hoá, chiếm tới hơn 1/3 tổng số di tích toàn tỉnh, đã cho thấy sự phong phú, giàu có về hệ thống di sản văn hoá vật thể của Quảng Yên. Gìn giữ tốt hệ thống di sản này, thị xã đã có nhiều giải pháp quản lý tổng thể, bài bản trong những năm qua.
Hơn 700 năm trước, chiến thắng Bạch Đằng lịch sử đã diễn ra trên vùng đất Quảng Yên, còn để lại tới hôm nay nhiều điểm di tích là dấu vết cuộc chiến và các công trình tôn vinh công lao to lớn của cha ông xưa. Đó là quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Bạch Đằng gồm 11 điểm di tích đình, đền, miếu và các bãi cọc, chủ yếu nằm trên địa phận Quảng Yên.
Nơi đây cũng được ví là “vùng đất của di tích và lễ hội” với 34 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 15 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 3 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và nhiều lễ hội với quy mô cấp vùng, lễ đại kỳ phúc ở 14 đình làng, 20 hội chùa làng, lễ ra cỗ họ của 23 từ đường dòng họ Tiên Công cùng với 70 lễ hội ở các từ đường dòng họ khác, mang đậm nét văn hóa của cư dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Bên cạnh đó, nhiều công trình kiến trúc công sở, nhà ở, đường sá… từ thời thuộc Pháp còn được gìn giữ nguyên vẹn, tạo nên những khu phố cổ như phố Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Trần Khánh Dư…
Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, làm cho giá trị của các di sản thấm sâu, lan tỏa trong đời sống xã hội, thời gian qua, TX Quảng Yên đã triển khai thực hiện các văn bản của trung ương, của tỉnh về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa cũng như đã ban hành nhiều văn bản quan trọng mang tính chiến lược, lâu dài về phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa; kết nối phát triển du lịch trên địa bàn. Các nghị quyết và chương trình hành động này đều được xây dựng, ban hành các kế hoạch triển khai cụ thể để thực hiện đảm bảo sát với thực tế của địa phương và theo quy định hiện hành.
Qua tìm hiểu cho thấy, công tác quản lý nhà nước về di tích được Quảng Yên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phân cấp cụ thể từ thị xã tới các xã, phường, các ban quản lý di tích để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch theo đúng quy định.
Theo báo cáo của thị xã, cho đến nay, 100% các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn thị xã đã được kiểm kê, phân loại, lập hồ sơ đưa vào danh mục và được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt danh mục di tích lịch sử – văn hóa để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị.
Kể từ năm 2015 đến nay, thị xã cũng đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích từ các nguồn ngân sách với tổng kinh phí 259,9 tỷ đồng, đã thực hiện trên 155,4 tỷ đồng. Đồng thời, huy động các nguồn lực, chủ yếu là nguồn xã hội hóa đầu tư tu bổ di tích, với tổng kinh phí phê duyệt là 564 tỷ đồng. Số kinh phí đã triển khai thực hiện 460 tỷ đồng, qua đó góp phần quan trọng vào việc bảo tồn giá trị di sản theo hướng bền vững.
Mặc dù vậy, quá trình đầu tư thời gian qua cũng cho thấy còn những bất cập. Qua tìm hiểu cho thấy, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích trên địa bàn Quảng Yên từ năm 2015 đến nay chủ yếu từ nguồn huy động xã hội hóa, nguồn chi từ ngân sách tỉnh và thị xã còn ít, gặp nhiều khó khăn từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Vì vậy, nhiều di tích giá trị có nguy cơ sập đổ, bị hủy hoại, cần được quan tâm sớm. Đó là các di tích quốc gia như di chỉ khảo cổ núi Đầu Rằm (xã Hoàng Tân), đền Quan Đại, chùa La Khê (xã Tiền An), miếu Tiên Công (xã Cẩm La)…; các di tích cấp tỉnh như chùa Lái (xã Liên Vị), chùa La (xã Cẩm La), Văn chỉ Khê Chanh…; công trình kiến trúc được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của tỉnh như Nhà máy Kẽm, Thành cổ Quảng Yên.