Yên Tử là di sản văn hoá quý giá mà cha ông để lại đến ngày nay. Khối di sản này, nhiều năm qua được các cấp chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân chung tay bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị.
Năm 1992, việc thành lập Ban Quản lý (BQL) Di tích và rừng quốc gia Yên Tử được cho là sự kiện quan trọng đánh dấu sự quan tâm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Yên Tử. Đây cũng là dấu mốc đặc biệt, đánh dấu sự có mặt của cơ quan quản lý nhà nước tham gia quản lý trực tiếp tại khu di tích Yên Tử; là tiền đề để TP Uông Bí triển khai các nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo, quy hoạch, đầu tư xây dựng và phục hưng Yên Tử được khang trang như ngày hôm nay.
Nói về sự kiện này, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc BQL di tích và rừng Quốc gia Yên Tử cho biết: Trong hơn 30 năm, với muôn vàn khó khăn, thử thách, từ một Yên Tử với những phế tích và các công trình bị xuống cấp nghiêm trọng do sự tác động của thời gian, sự tàn phá của thiên nhiên, chiến tranh. Nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, BQL di tích Yên Tử chúng tôi đã không ngừng nỗ lực, tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị chức năng làm tốt vai trò, phận sự của mình trong công tác quản lý nhà nước tại khu di tích…
Có thể thấy, các đơn vị chức năng TP Uông Bí, trong đó chủ đạo là BQL di tích và rừng Quốc gia Yên Tử đã bảo vệ được nguyên vẹn 2.783ha rừng quốc gia Yên Tử – mái nhà chung che chở cho di tích; không để xảy ra tình trạng khai thác trái phép, săn bắn động vật tại rừng quốc gia Yên Tử… Đơn vị cũng đã bảo vệ an toàn cảnh quan văn hóa, môi trường trong vùng lõi di tích và các vùng đệm được giao quản lý; bảo vệ, gìn giữ các công trình chùa, am tháp, chưa để xảy ra tình trạng thất thoát tượng, pháp khí và đồ thờ trong khu di tích. Từ nguồn kinh phí khá hạn hẹp, BQL di tích và rừng Quốc gia Yên Tử đã làm tốt việc dập dịch toàn bộ hệ thống văn bia, làm hồ sơ khoa học hệ thống tượng và hiện vật trong khu di tích.
Khoảng từ năm 2010 trở về trước, BQL Di tích và rừng quốc gia Yên Tử đã tích cực tham mưu mời các nhà nghiên cứu, cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều cuộc khảo sát, hội thảo về Yên Tử, tiến hành khai quật khảo cổ các điểm phế tích tại Yên Tử để có cơ sở khoa học làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo di tích với nhiều hạng mục công trình để lại dấu ấn đến ngày nay. Cụ thể, như chùa Giải Oan (trùng tu năm 1994), khu vực vườn Tháp Tổ – Hòn Ngọc (trùng tu năm 1995), chùa Vân Tiêu, cầu Đá suối Giải Oan năm 2001, chùa Hoa Yên, chùa Lân – Thiền Viện năm 2002, chùa Bí Thượng, chùa Đồng năm 2006, tôn dựng Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông năm 2009… Và nhiều hạng mục công trình như hệ thống bảng biển chỉ dẫn, nội quy, tuyên truyền; chỉnh trang, nâng cấp các tuyến đường nội vi từ chùa Giải Oan lên đến chùa Đồng, tuyến đường du lịch từ QL18A vào khu di tích, hệ thống nhà vệ sinh, PCCC cũng đã được triển khai.
Giai đoạn gần đây, BQL Di tích và rừng quốc gia Yên Tử tham mưu cho TP Uông Bí cung cấp thông tin để hoàn thiện Hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Hiện nay, trong bối cảnh Yên Tử là thành tố quan trọng để quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO xem xét công nhận là di sản thế giới, trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ của mình, BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử tiếp tục việc chỉnh trang di tích, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đón đoàn chuyên gia ICOMOS về khảo sát thực địa tại Yên Tử. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến thông tin tới đông đảo người dân địa phương và du khách hiểu rõ hơn về giá trị của Yên Tử, từ đó thêm trách nhiệm và niềm tự hào cũng như nâng cao ý thức cùng chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của Yên Tử xứng tầm quốc tế.