Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, năm 2024, nhiều chính sách giảm thuế sẽ có hiệu lực. Dự kiến tổng số tiền miễn giảm gần 70.000 tỷ đồng. Trước mong mỏi của người dân, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách hỗ trợ cần nhanh chóng và thiết thực!
Hào hứng chờ giảm thuế, phí
Năm 2024, người dân, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Dù chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 – dịp mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm nhưng sức mua của người tiêu dùng ảm đạm. Để trợ lực cho người dân, doanh nghiệp, góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng đầu năm 2024. Việc giảm thuế VAT 2% được kỳ vọng sẽ giảm giá trực tiếp vào hàng hóa bán ra, hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất.
Ông Vũ Tuấn, giám đốc một doanh nghiệp thực phẩm tại Hưng Yên cho biết, vào thời điểm này mọi năm, khách hàng tấp nập đặt mua đặc sản cho Tết như gà Đông Tảo làm quà biếu; giò, chả, thịt lợn sạch. Tuy nhiên, năm nay, lượng khách mua chỉ tăng nhẹ so với ngày thường. Dù chi phí đầu vào tăng nhưng ông Tuấn cũng không dám tăng giá để giữ khách.
“Lượng khách mua ít, công ty chúng tôi không dám dự trữ nhiều. Giá bán hàng giữ ổn định dù chi phí đầu vào tăng. Chính sách giảm thuế VAT 2% sẽ giúp chúng tôi giảm được một phần giá bán cho người tiêu dùng”, ông Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cũng khiến nhiều doanh nghiệp đón nhận với niềm vui. Ông Nguyễn Thành – chủ một doanh nghiệp vận tải xe khách chuyên chạy tuyến Thanh Hóa – Hà Nội cho biết, chi phí mua xăng dầu là chi phí lớn nhất đối với công ty. Công ty của ông Thành có 10 chiếc xe chạy hằng ngày. Cuối tháng 12/2023, phí BOT cao tốc tăng khiến công ty ông tăng thêm chi phí.
“Giá vé xe khách rất khó tăng, vì phải cạnh tranh để giữ chân hành khách. Trong khi đó, lương nhân viên, phí đường bộ tăng, kinh tế khó khăn khiến nhu cầu đi lại của người dân cũng giảm bớt. Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với giá xăng sẽ giúp giá xăng dầu giảm 1.000 – 2.000 đồng/lít, giúp doanh nghiệp giảm bớt một phần chi phí, gắng gượng qua giai đoạn khó khăn”, ông Thành chia sẻ.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đánh giá, chính sách giảm thuế VAT 2% tác động đa chiều đến nền kinh tế. Giảm thuế VAT kéo theo đà giảm giá hàng hóa, từ đó, kích thích tiêu dùng và giúp doanh nghiệp tăng sản xuất.
“Giảm thuế VAT 2% như một mũi tên trúng ba đích. Chính sách này vừa góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm việc làm cho người lao động, vừa góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển”, ông Quốc Anh cho biết.
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp còn đối mặt nhiều khó khăn. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Những chính sách có thể thực hiện ngay, tác động trực tiếp như giảm thuế VAT 2% được doanh nghiệp rất mong chờ.
Sẽ giảm gần 70.000 tỷ đồng thuế, phí
Bộ Tài chính cho biết, năm 2024, giảm thuế VAT 2% tương đương ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 25.000 tỷ đồng. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ. Từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024. Người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách giảm thuế VAT. Giảm thuế VAT góp phần giảm giá bán và giảm trực tiếp chi phí tiền mua hàng hóa của người dân.
Chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường tương đương với ngân sách hụt gần 43.000 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Do đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không phân biệt đối tượng áp dụng sẽ hỗ trợ tốt cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết, năm 2024, giảm thuế VAT 2% tương đương ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 25.000 tỷ đồng. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ. Tương tự, áp dụng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, ngân sách sẽ giảm gần 43.000 tỷ đồng.
“Việc tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 sẽ tiếp tục góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Từ đó, góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu thụ xăng dầu; đồng thời, sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhất là doanh nghiệp ở một số lĩnh vực như vận tải, đánh bắt hải sản…”, Bộ Tài chính cho biết.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sửa quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, người dân, doanh nghiệp sẽ được giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%. Dự kiến, chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá, chính sách miễn, giảm thuế phí cho người dân, doanh nghiệp rất thiết thực trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, kinh tế năm 2024 được dự báo vẫn gặp khó khăn những năm trước đó nhưng nhiều chính sách miễn giảm đã hết hạn. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để vượt qua khó khăn.
“Chính sách hỗ trợ cần thiết thực, dễ thực hiện, tránh phiền hà về thủ tục hành chính. Trước khi ban hành chính sách, cơ quan chức năng rút kinh nghiệm từ chính sách hỗ trợ trước đó để có chính sách tốt, hiệu quả”, ông Doanh khuyến nghị.