Ngày 28/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh năm 2024; việc chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy, tai nạn thương tích, đuối nước và tai nạn giao thông trong thanh, thiếu nhi, học sinh. Đồng chí Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì. Dự phiên họp có đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung trao đổi, giải trình những nội dung liên quan thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh năm 2024. Tính đến ngày 20/5/2024, tổng thu ngân sách từ tiền sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh mới đạt 1.078 tỷ đồng, chỉ đạt 13% dự toán, bằng 52% cùng kỳ. Một số địa phương đạt thấp như: Hạ Long (8%); Cẩm Phả (4%); Vân Đồn (3%); Đầm Hà (4%)… Số tiền nợ thuế tiền sử dụng đất, tiền thuê đất toàn tỉnh đến ngày 30/4/2024 còn lớn, nhiều dự án nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất kéo dài qua nhiều năm. Việc xác định đơn giá thuê đất, chuyển đổi hình thức từ giao đất sang cho thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, việc rà soát, xử lý các dự án đầu tư có sử dụng mặt đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh còn chậm…
Nguyên nhân được các đại biểu chỉ rõ, đó là do việc xác định giá đất gặp khó khăn trong việc thuê đơn vị tư vấn; các địa phương xây dựng danh mục dự kiến thu tiền sử dụng đất không khả thi do chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ngoài ra, cũng do những vướng mắc trong quy định về định giá đất; trong việc xác định lãi suất ngân hàng; việc xác định chi phí đầu tư dự án làm căn cứ định giá đất; do công tác quy hoạch và tác động từ thị trường bất động sản năm 2024. Các đại biểu cũng làm rõ những khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm các sở, ngành, địa phương, đồng thời xác định những giải pháp khả thi để đảm bảo số thu cả năm 2024.
Qua kết quả giải trình, đồng chí Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh phải triển khai đồng bộ các giải pháp, nỗ lực, phấn đấu với quyết tâm cao nhất hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2024 được Trung ương, HĐND tỉnh giao; khắc phục những hạn chế và triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại các Nghị quyết, báo cáo giám sát của HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh.
Về một số nhiệm vụ cụ thể, đồng chí đề nghị Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh duy trì họp Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh định kỳ mỗi tháng 2 lần để giải quyết các vướng mắc, nâng cao chất lượng, tiến độ quản lý, xây dựng giá đất, thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất, tiền thuê mặt đất, mặt nước.
Các sở, ngành liên quan tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thành lập tổ liên ngành hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý, xác định giá thu tiền sử dụng đất của các dự án trong năm 2024; thường xuyên rà soát, tổng hợp các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, các dự án điều chỉnh quy hoạch nhưng chưa xác định giá đất để có văn bản đôn đốc các chủ đầu tư, doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xác định, trình phê duyệt giá đất cụ thể đối với các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất để người nộp thuế kịp thời thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, rà soát các dự án có sử dụng mặt đất, mặt nước, kiên quyết đề xuất thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ, nợ tiền sử dụng đất vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư theo đúng quy định; đổi mới phương thức lập, xây dựng dự toán. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, đôn đốc các chủ sử dụng đất nộp tiền sử dụng đất; rà soát các hợp đồng thuê đất, xác định lại giá thuê đất đối với các hợp đồng đến hạn đảm bảo quy định của pháp luật; kiểm soát chặt chẽ các điều kiện để miễn, giảm tiền thuê đất của các dự án sử dụng đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh.
Đối với UBND các địa phương, tiếp tục tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát về diện tích, thủ tục pháp lý, tình trạng sử dụng đất, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất đối với các trường hợp sử dụng đất theo hồ sơ và tại hiện trường; rà soát các dự án giao đất nhà đầu tư tự nguyện ứng trước tiền GPMB đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện phê duyệt quyết toán chi phí giải phóng mặt bằng theo thẩm quyền làm căn cứ xây dựng kế hoạch ghi thu, ghi chi ngay tại thời điểm xây dựng dự toán ngân sách hàng năm. Các địa phương quan tâm đến việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, lựa chọn các dự án đảm bảo đầy đủ các quy định về quy hoạch, đầu tư khi xây dựng kế hoạch thu tiền sử dụng đất năm 2025.
Cùng ngày, Thường trực HĐND tỉnh nghe giải trình về công tác phòng chống ma túy, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, đuối nước đối với thanh thiếu nhi, học sinh. Đây là vấn đề nhân dân, cử tri cả nước nói chung và trong tỉnh nói riêng quan tâm. Thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên và bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được tỉnh quan tâm, chú trọng, tổ chức nhiều hoạt động bổ ích thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia. Công tác phối hợp liên ngành được tăng cường, bảo đảm triển khai toàn diện, đa ngành ở các cấp đến tận cơ sở, huy động được tham gia tích cực của cộng đồng, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị – xã hội. Công tác thông tin, tuyên truyền đã được đẩy mạnh và đổi mới thông qua nhiều hình thức, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, góp phần làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức và hành động của trẻ em, phụ huynh và các cơ quan chức năng cùng cộng đồng về bảo vệ an toàn, vai trò, lợi ích của việc học bơi phòng, chống đuối nước, cũng như trong việc nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực cho thanh thiếu niên, tham gia có trách nhiệm hơn trong quản lý, giáo dục thanh thiếu niên, nhất là trong dịp hè.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi triển khai thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước chưa thường xuyên, chưa quyết liệt, kịp thời, đầy đủ; chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền sâu rộng và cảnh báo nguy cơ cho các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư, hộ gia đình đặc biệt là trẻ em. Nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chậm được đổi mới, chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng, đặc điểm địa bàn dân cư, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác phòng ngừa, đấu tranh trên không gian mạng còn khó khăn. Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật đối với thanh, thiếu niên, học sinh chưa được quan tâm đúng mức. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời, hiệu quả chưa cao.
Trên cơ sở giải trình, làm rõ những hạn chế, nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm, các đại biểu cũng đã thẳng thắn trao đổi để tìm những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.
Thống nhất với các ý kiến tại phiên giải trình, đồng chí Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu, xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 96/2013/NQ-HĐND ngày 19/7/2013 của HĐND tỉnh “Về một số mục tiêu, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Trong đó, cần tập trung rà soát tổng thể các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng chống ma túy… trong thanh thiếu niên để lựa chọn đối tượng cần tập trung, ưu tiên những người dưới 18 tuổi. Đồng thời, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể trong công tác phòng, chống, đấu tranh, ngăn ngừa, làm giảm tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến thanh, thiếu niên, trẻ em.
Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền cơ sở; của các tầng lớp nhân dân và của thanh thiếu nhi; quan tâm, nâng cao trách nhiệm hoạt động của các BCĐ hoạt động hè. UBND tỉnh phải tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, giám sát và giao trách nhiệm tới các ngành, địa phương một cách cụ thể, rõ trách nhiệm.
Các ban, các tổ và mỗi đại biểu HĐND tỉnh phải phát huy trách nhiệm của người đại biểu dân cử trong giám sát, triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, cũng như các nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.