Năm 2024 đã đi qua nửa chặng đường, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngân sách cấp tỉnh không đạt như kỳ vọng. Nhiều chủ đầu tư, dự án có nguồn vốn tương đối lớn nhưng đến nay vẫn không thể giải ngân vì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chưa thể khắc phục.
Tính đến ngày 25/7/2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công sau điều chỉnh trên 16.250 tỷ đồng, tăng trên 2.200 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh trên 6.500 tỷ đồng.
Mặc dù ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh đã có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc và đã thành lập các tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công nhưng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công nói chung và vốn ngân sách cấp tỉnh nói riêng vẫn không đạt như kỳ vọng. Tính đến ngày 25/7/2024, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách tỉnh mới đạt 16,3% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ (20%).
Đối với nhóm dự án chuyển tiếp (28 dự án), năm 2024 được bố trí kế hoạch vốn trên 3.700 tỷ đồng, chiếm 65% tổng kế hoạch vốn ngân sách cấp tỉnh, đến nay mới giải ngân đạt 24% kế hoạch. Mặc dù là nhóm dự án chuyển tiếp nhưng có 13/28 dự án có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân toàn tỉnh (24,4%), trong đó một số dự án có kế hoạch vốn lớn nhưng giải ngân rất thấp, như: Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều (Giai đoạn 1) giải ngân đạt 10% kế hoạch; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279 đoạn từ Km0+00 đến Km8+600, giải ngân đạt 0,5% kế hoạch; Trụ sở Trung tâm Truyền thông tỉnh giải ngân đạt 16% kế hoạch.
Còn ở nhóm dự án khởi công mới (16 dự án), năm 2024 được bố trí kế hoạch vốn trên 2.500 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được 76,5 tỷ đồng, đạt 3% kế hoạch. Hiện có 3 dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, (dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 333; Trường THPT Ba Chẽ; cải tạo, xây mới bổ sung cơ sở vật chất Trường THPT Quảng Hà, huyện Hải Hà); 2 dự án đang đấu thầu xây lắp (dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 345; dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 327, đoạn từ nút giao cổng tỉnh đến đường trục chính trung tâm TX Đông Triều); 5 dự án đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đang trong quá trình triển khai thực hiện; 5 dự án dự kiến khởi công trong quý III/2024 và 1 dự án dự kiến khởi công trong quý IV/2024 (cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận TP Hạ Long).
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó có 5 dự án chuyển tiếp còn vướng mắc giải phóng mặt bằng, 1 dự án chưa hoàn thiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, 6 dự án chưa có quyết định thu hồi đất, 9 dự án chưa hoàn thiện thủ tục giao đất để thực hiện dự án; 2 dự án còn thiếu hụt nguồn vật liệu gia cố nền móng và vật liệu san lấp. Cùng với đó, thời điểm đầu năm, các chủ đầu tư thường tập trung vào việc thực hiện công tác thanh toán, quyết toán kế hoạch vốn năm 2023, giải ngân vốn còn lại của năm 2023 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024, đồng thời tập trung hoàn trả số dư tạm ứng chuyển sang năm 2024.
Ông Phạm Hồng Biên, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2024, các cấp, các ngành mất nhiều tháng để triển khai kế hoạch hoạt động, kế hoạch đấu thầu, kế hoạch triển khai thực hiện, thi công để có khối lượng thực hiện tích lũy; kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng, tạm ứng vốn hợp đồng. Mặt khác, công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu những tháng đầu năm bị đình trệ vì các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu mới được ban hành đầy đủ, do đó các dự án khởi công mới khó triển khai ngay được, mà phải chờ sang tháng 7, 8/2024, bao gồm cả dự án được bố trí từ nguồn vốn chấm điểm và chương trình mục tiêu quốc gia.
Để đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn cấp tỉnh nói riêng, hiện nay, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, phấn đấu khởi công tất cả các công trình, dự án đầu tư công thuộc phạm vi quản lý, trọng tâm là các dự án được bố trí kế hoạch vốn ngân sách cấp tỉnh năm 2024. Trong đó, phải phân công cán bộ chuyên môn bám sát quá trình tổ chức lập, thẩm định hồ sơ dự án; kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng chất lượng hồ sơ trước khi trình cơ quan thẩm định; giảm thiểu việc chỉnh sửa hồ sơ do không đạt yêu cầu.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024 của tập thể, cá nhân. Chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn trong nội bộ của các chủ đầu tư theo quy định, để bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao.