Thị trường du lịch dịp cuối năm tại các điểm đến nổi tiếng như Phú Quốc, Nha Trang từ cuối tháng 9 đến nay khá vắng vẻ. Một số diễn đàn du lịch có quan điểm cho rằng, giá vé máy bay nội địa trên đường bay trục hay đến các điểm du lịch neo ở mức cao là yếu tố chính khiến thị trường du lịch trầm lắng và lo ngại điều này ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch bằng đường hàng không, nhiều điểm có nguy cơ vắng vẻ khi du khách chuyển sang du lịch nước ngoài.
Một số chuyên gia, lãnh đạo đơn vị doanh nghiệp du lịch, hàng không đã phân tích, đánh giá và đưa ra nhận định, giá vé máy bay không phải là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này.
Thiên đường … “đói” khách
Mặc dù những tháng cuối năm, “đảo ngọc” Phú Quốc (Kiên Giang) vốn được mệnh danh là thiên đường du lịch bước vào mùa đẹp nhất, song lượng khách du lịch lại sút giảm rất mạnh. Lâu nay, Phú Quốc đã không còn sức hút “khủng” với khách du lịch, thay vào đó, các tour trong nước, du khách có xu hướng thắt chặt chi tiêu, ưu tiên các tour giá rẻ, di chuyển đường bộ. Vùng núi phía bắc trở thành khu vực có tín hiệu khả quan nhất, với khí hậu mát mẻ, dễ chịu, có nhiều cảnh sắc đẹp như ruộng bậc thang, lúa chín, tam giác mạch,…
Công suất phòng của nhiều khách sạn lớn ở “đảo ngọc” chỉ đạt èo uột quanh mức 20%. Các dịch vụ vui chơi, giải trí cũng vắng khách, lượng khách trải nghiệm dịch vụ chỉ khoảng 30%. Khách đoàn rất ít đặt tour đi Phú Quốc, bình thường các năm, có những đơn vị lữ hành mỗi ngày đón 15-20 tour khách đi chơi, nghỉ dưỡng, còn hiện nay, mỗi ngày chỉ đón 2-3 đoàn khách, giảm khoảng 80%.
Theo đánh giá của Giám đốc Kinh doanh nền tảng đặt phòng Mustgo Đinh Thị Thu Thảo, nguyên nhân các thiên đường du lịch như Phú Quốc, Nha Trang,… dịp cuối năm “đói khách” không nằm ở giá vé máy bay như các giai đoạn cao điểm trước.
Trong kỳ nghỉ lễ Quốc khách vừa qua, du khách có xu hướng đi gần, ưu tiên đi đường bộ, lựa chọn các chuyến đi có mức chi trả trung bình và thấp do tình hình kinh tế chung chưa hết khó khăn, do đó các điểm đến phụ thuộc lớn vào đường bay như Phú Quốc có tỷ lệ khách thấp.
Về việc một số địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước vừa qua vắng khách, nhiều đơn vị kinh doanh, chuyên gia cũng cho rằng lỗi không phải từ phía các hãng hàng không như một số ý kiến chỉ trích vừa qua. Lãnh đạo một công ty chuyên phục vụ tour đến Phú Quốc nói rằng đối với nhóm khách nước ngoài, “đảo ngọc” đã phát triển ồ ạt quá nhiều công trình khách sạn, nghỉ dưỡng, mất đi ấn tượng về môi trường thiên xanh, biển xanh nên không còn hấp dẫn đối tượng khách này như trước. Theo ông, nhiều du khách nội địa cũng bị ấn tượng xấu với điểm đến này do chính quyền quản lý an ninh trật tự chưa tốt, taxi, dịch vụ, nhà hàng chặt chém.
Mới đây, Superdong Kiên Giang – doanh nghiệp vận hành 16 tàu cao tốc và hai phà từ đất liền ra Phú Quốc công bố kết quả kinh doanh quý III với khoản lãi giảm một nửa. Hãng cho rằng một phần nguyên nhân là du khách chuyển đến nơi có chi phí thấp hơn vì ngại đi Phú Quốc chi phí cao, dễ bị “chặt chém”. Trong khi đó, đại diện đơn vị chuyên theo dõi thông tin du lịch The Outbox nhìn nhận thực trạng “đói” khách tại Phú Quốc hiện nay đến từ hệ quả của việc phát triển triển nóng dẫn đến định hướng phát triển sai sản phẩm.
Hãng nghiên cứu bất động sản Savills đánh giá Phú Quốc chưa có nhiều lựa chọn cho du khách bình dân. Theo thống kê, 70% số phòng khách sạn 3-5 sao ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tập trung ở Phú Quốc.
Giữa tháng 10 vừa qua, tại cuộc họp với chính quyền và các doanh nghiệp đề xuất giải pháp giải cứu du lịch ở Phú Quốc, đại diện một hãng hàng không khẳng định, sẵn sàng kích cầu cùng địa phương nhưng phía doanh nghiệp cũng cần xem lại giá dịch vụ, chương trình, sản phẩm cung cấp cho du khách.
Khó hạ giá vé máy bay
Để gỡ khó cho Phú Quốc cũng như các điểm đến khác lúc này, nhiều chuyên gia cho rằng cần sự chung tay phối hợp giữa cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, đơn vị kinh doanh lữ hành, dịch vụ và các hãng hàng không. Trong bối cảnh hiện nay, các hãng hàng không trong nước khó có thể hạ giá vé máy bay xuống thấp hơn nữa sau hơn hai năm phải vật lộn với những tác động nặng nề, ảnh hưởng từ đại dịch.
Phần lớn các hãng bay đang kinh doanh dưới giá vốn bởi doanh thu chưa phục hồi được bằng mức trước dịch, còn các chi phí đầu vào lại không ngừng biến động. Theo đó, nhiên liệu – yếu tố chiếm tới 36% chi phí vận chuyển của một hãng bay, tại thời điểm cuối năm 2022 đạt mức hơn 120 USD/thùng Jet A1, tăng hơn hơn 85% so với mức bình quân-khoảng 67 USD/thùng năm 2015. Hiện nay, giá nhiên liệu Jet A1 tuy đã hạ nhiệt, nhưng vẫn neo quanh mức 90 USD/thùng.
Giai đoạn cuối năm này, nhu cầu di chuyển trên phạm vi toàn cầu tiếp tục tăng cao cùng với tình hình bất ổn tại một số khu vực, nhiều tổ chức vẫn dự báo giá nhiên liệu có thể tiếp tục đi lên. Với hãng Vietnam Airlines, nếu chi phí nhiên liệu tăng thêm 1 USD/thùng, doanh nghiệp này ước tính sẽ phát sinh thêm hơn 220 tỷ đồng chi phí.
Bên cạnh đó, yếu tố tỷ giá cũng tác động lớn đến hoạt động của các hãng hàng không Việt Nam. Hãng Vietnam Airlines từng lý giải, hơn 70% cơ cấu chi phí vận chuyển hàng không phải thanh toán bằng ngoại tệ, trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam bằng tiền đồng. Những biến động tỷ giá USD và tiền đồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của hãng. So với năm 2015, tỷ giá USD tăng 6,6%, từ mức 21.900 đồng/USD lên 23.350 đồng/USD bình quân năm ngoái. Yếu tố này khiến chi phí của hãng đội thêm 4,35%. Tình hình năm nay cũng chưa thể sáng sủa khi tỷ giá VND/USD còn được dự báo có thể tăng thêm 3%.
Có quy mô nhỏ nhất trên thị trường nội địa hiện nay, nhưng lãnh đạo Vietravel Airlines cũng thừa nhận, hãng đang trong tình trạng doanh thu từ vé máy bay bán ra không thể đủ để bù đắp chi phí. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn phải gồng mình hoàn trả các khoản nợ phát sinh trước đó kèm mặt bằng lãi suất tăng cao trong thời gian qua. Đại diện hãng cho rằng việc kéo chi phí di chuyển bằng máy bay về bằng với đi tàu, xe là điều không tưởng.
Các hãng bay là lõi trung tâm của ngành hàng không, nhưng đang dễ bị tổn thương, thiếu ổn định nhất. Một hãng bay tư nhân khác cũng đang trong quá trình tái cấu trúc, phải cắt giảm tàu bay, mạng đường bay để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Thực tế suốt nhiều năm qua, các chuyến bay dịp cao điểm Tết của hãng chỉ đông khách một chiều, chiều còn lại gần như bay rỗng, không có khách.
Bởi vậy, giá vé cao áp dụng vào thời điểm này để phần nào giúp các hãng hàng không bù đắp cho chặng bay cả hai chiều. Dịp cao điểm hè vừa qua, trước ý kiến giá vé máy bay đi Phú Quốc quá cao, người đứng đầu một hãng đã phải giải thích, máy bay chỉ đông khách chiều đi, còn chiều về chở toàn hải sản, tôm, mực.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam từng thông tin, giá vé các hãng đưa ra hoàn toàn phụ thuộc vào quy luật cung cầu, chính sách từng thời điểm, nhưng vẫn nằm trong khung trần giá vé. Khi giá đưa ra ở mức cao mà không bán được, các hãng sẽ phải nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.