Ngày 25-12, thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (từ 21-1 tới 28-1-2025), tỉ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TP.HCM đến các địa phương đang tăng nhanh chóng.
Ngay từ đầu kỳ nghỉ lễ, tỉ lệ đặt vé máy bay trên các đường bay từ TP.HCM đến một số địa phương đã lên đến 100%, như TP.HCM đi Huế, Pleiku, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Quảng Bình, Thanh Hóa, Vinh…
Tương tự như vậy với chiều từ các địa phương về TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại tỉ lệ đặt chỗ rất thấp, chỉ từ 5-30% tùy chặng, tùy ngày. Các hãng hàng không phải bay nhiều chuyến rỗng (ferry) để đưa/đón khách.
Đáng lưu ý, đến thời điểm này, một số đường bay trục như TP.HCM – Đà Nẵng, Hà Nội, Hà Nội – Đà Nẵng, TP.HCM, số ghế còn rất nhiều ngay trong giai đoạn cao điểm Tết từ 25-1 đến 2-2-2025 (tức 26 tháng chạp tới mùng 5 tháng giêng âm lịch), đạt trung bình 35-40%. Riêng ngày 25-1-2025 chặng bay TP.HCM – Hà Nội là có tỉ lệ cao trên 80%.
Thống kê giá vé cho thấy trên các đường bay đưa công nhân, học sinh và người dân từ TP.HCM về các địa phương ăn Tết đang tăng nhanh.
Trước Tết, chặng TP.HCM – Hà Nội lên tới gần 7,5 triệu đồng/vé khứ hồi nếu bay Vietnam Airlines, 7 – 7,36 triệu đồng khi bay Vietjet, 6,3 – 7 triệu đồng khi bay Vietravel Airlines.
Các chặng bay từ TP.HCM đi Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng… giá vé cũng khá cao. Tuy nhiên, giá vé các chuyến bay rỗng lệch đầu giá rất thấp, chỉ từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng/vé khứ hồi.
Theo Cục Hàng không, sự chênh lệch giá vé phần lớn do nhu cầu di chuyển về quê đón Tết ở các tỉnh phía Bắc tăng cao, khiến giá vé một chiều từ Nam ra Bắc cao hơn so với chiều ngược lại. Sau kỳ nghỉ Tết, giá vé chiều từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào TP.HCM đã có sự thay đổi, theo hướng ngược lại.
Cơ quan này vừa điều chỉnh tăng tham số điều phối giờ hạ cất cánh (slot) tại sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết. Cụ thể, từ ngày 21-1 đến 9-2-2025 số chuyến bay cất hạ cánh được nâng lên 48 chuyến/giờ vào ban ngày và 46 chuyến/giờ vào khung giờ ban đêm.