Nếu mua vàng với giá 80 triệu đồng/lượng vào sáng 28/12 thì đến hôm nay người mua lỗ 11 triệu đồng/lượng khi giá vàng giảm về 69 – 72 triệu (mua – bán).
Sáng nay (30/12) giá vàng trong nước tiếp tục lao dốc khi giảm mạnh tới 4 triệu đồng/lượng, về ngưỡng 72 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, 10h sáng nay, giá vàng tại SJC được niêm yết ở mức 69 – 72 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 4 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay.
Trong khi đó, giá vàng tại Doji được niêm yết ở mức 70 – 76 triệu đồng/lượng (mua – bán), không đổi so với đầu giờ sáng nay, nhưng ghi nhận mức chênh giá mua – bán cao nhất từ trước đến nay khi khoảng cách này lên tới 6 triệu đồng/lượng.
Như vậy, nếu người mua vàng với giá 80 triệu đồng/lượng vào sáng 28/12 thì đến hôm nay đã lỗ 11 triệu đồng chỉ trong vòng 2 ngày.
Tính từ đầu giờ chiều 28/12 đến nay, tức là chỉ sau 2 ngày, giá vàng đã lao dốc mạnh, giảm tới 8 triệu đồng/lượng. Mức giảm chưa từng có trong lịch sử.
Giá vàng giảm đột ngột ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Công điện số 1426 về các giải pháp quản lý thị trường vàng, giá kim loại quý mất tới 4 triệu đồng/lượng, từ đỉnh cao 80 triệu đồng xuống 76 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá vàng hồi phục về mốc 77,5 triệu đồng/lượng.
Công điện của Thủ tướng nêu, thời gian vừa qua, thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.
Để ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng.
“Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền phù hợp, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia“, chỉ đạo của Thủ tướng tới Ngân hàng Nhà nước.
Thủ tướng cũng lưu ý việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân…gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi thông báo về việc quản lý thị trường vàng. Cơ quan này cho biết sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nhận định, thị trường vàng miếng SJC thời gian qua nhìn chung không biến động bất thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng khi giá vàng tăng cao như giai đoạn trước đây. Nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh trong những ngày vừa qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế. Do vậy, trong những ngày giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh, giá vàng miếng SJC trong nước thường tăng với tốc độ nhanh hơn.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.