Chịu áp lực bán mạnh sau khi lập đỉnh mới, giá vàng thế giới hôm nay (23/5) giảm xuống 2.375,1 USD/ounce. Trong nước, giá vàng đồng loạt giảm mạnh trước phiên đấu thầu thứ 9. Vàng miếng SJC giao dịch ở mức 89,8 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 76,8 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường trong nước, sáng 23/5, ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng miếng, tổng khối lượng dự kiến đấu thầu 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88,9 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so phiên ngày 21/5 (88,6 triệu đồng/lượng). Khối lượng 1 lô là 100 lượng.
Tại lần đấu thầu này, ngân hàng Nhà nước cho biết, khối lượng đấu thầu tối thiểu là 5 lô, tương đương 500 lượng. Ngoài ra, khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 40 lô (4.000 lượng).
Trước giờ đấu thầu sáng nay, giá vàng các thương hiệu trong nước đồng loạt điều chỉnh giảm mạnh. Đáng chú ý, vàng miếng SJC bất ngờ “bốc hơi” 1,1 triệu đồng lượng.
Cụ thể, tính đến 9 giờ 30 phút ngày 23/5, giá vàng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 88 triệu đồng/lượng mua vào và 89,8 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 900.000 đồng và 700.000 đồng so kết phiên trước đó. Chênh lệch mua vào-bán ra ở mức 1,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC niêm yết mua vào-bán ra ở mức 87,8-89,8 triệu đồng/lượng, giảm 1,1 triệu đồng so kết phiên trước đó. Chênh lệch mua vào-bán ra 2 triệu đồng/lượng.
Hiện giá vàng miếng trong nước cao hơn giá thế giới khoảng 15 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn SJC 9999 dịch mua vào 75,2 triệu đồng/lượng, bán ra 76,8 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua-bán 1,6 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ mua vào ở mức 75,15 triệu đồng/lượng và bán ra mức 76,8 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 550.000 đồng và 700.000 đồng so kết phiên trước đó.
Tại thời điểm 9 giờ 30 phút sáng 23/5 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giảm 45,7 USD so kết phiên trước đó xuống mức 2.375,1 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đang chịu áp lực bán mạnh khi giảm xuống dưới mốc hỗ trợ quan trọng 2.400 USD/ounce.
Mặc dù chính sách tiền tệ của Mỹ đã trở thành yếu tố thứ yếu trên thị trường vàng, nhưng lạm phát dai dẳng có thể tạo ra một số áp lực bán.
Trong những ngày gần đây, các thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cho biết, mặc dù họ chưa sẵn sàng cắt giảm lãi suất vì lạm phát vẫn tăng cao nhưng cũng không tìm cách tăng lãi suất. Tuy nhiên, biên bản cuộc họp FOMC cho thấy, một đợt tăng lãi suất khác không phải là không có khả năng xảy ra.
Về trung hạn, nhiều chuyên gia lạc quan rằng, giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhưng hầu hết các nhà phân tích đều không chắc chắn về thời điểm kim loại quý sẽ chạm mốc 3.000 USD/ounce. Theo các chuyên gia, động lực có thể đưa vàng lên mốc này là khi FED bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Sáng nay, Chỉ số USD-Index tăng nhẹ lên mức 104,92 điểm; lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 4,429%; chứng khoán Mỹ điều chỉnh giảm sau khi đã vượt ngưỡng 40.000 điểm kỷ lục; giá dầu tiếp tục giảm 81,23 USD/thùng đối với dầu Brent và 76,87 USD/thùng đối với dầu WTI.