Mức giá tưởng như chỉ có trong dự báo nhưng đã thành hiện thực, khi giá vàng miếng SJC chiều nay, 9/5, lên 89,5 triệu đồng/lượng.
Chiều nay, giá vàng thế giới vẫn ở quanh mức 2.310 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 70,96 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên giá vàng miếng SJC đã tăng không ngừng. Sáng nay, giá vàng miếng SJC lần đầu chạm ngưỡng 88 triệu đồng/lượng, sau đó liên tục tăng và đạt mức 88,7 triệu đồng/lượng vào trưa nay.
Sang buổi chiều, giá vàng miếng phá mốc 89 triệu đồng/lượng và đạt mức 89,5 triệu đồng/lượng lúc 15h.
Đây là mức giá gần như không tưởng. Với mức giá này, hiện giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 18,54 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức chênh kỷ lục từ trước đến nay.
Tại Công ty SJC, giá bán vàng miếng chiều nay ở mức 89,5 triệu đồng/lượng, mua vào 87,2 triệu đồng/lượng. Các ngân hàng cũng nâng giá bán vàng miếng SJC lên mức 89,3 triệu đồng/lượng, tăng 1,3 triệu đồng/lượng so với sáng nay.
Tại tiệm vàng Mi Hồng, nếu sáng nay giá bán vàng miếng SJC mới ở mức 87,8 triệu đồng/lượng, mua vào 86,5 triệu đồng/lượng thì đến chiều nay giá bán vàng miếng SJC đã lên mức 88,9 triệu đồng/lượng, tăng thêm 1,1 triệu đồng/lượng so với buổi sáng.
Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 88,8 triệu đồng/lượng, mua vào 86,8 triệu đồng/lượng.
Còn tại Công ty DOJI, giá bán vàng miếng SJC là 88,3 triệu đồng/lượng, mua vào 86,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC tăng dồn dập trong bối cảnh hôm qua, Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức phiên đấu thầu vàng thứ 2. Theo đó chỉ có ba đơn vị trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng, ế đến 13.400 lượng vàng miếng SJC. Giá trúng thầu là 86,05 triệu đồng/lượng, cũng là mức giá sàn mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Sau hai phiên đấu thầu vàng, đến nay có 6.400 lượng vàng miếng SJC được cung ra thị trường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về việc vì sao càng đấu giá, giá vàng miếng SJC càng tăng, ông Nguyễn Ngọc Trọng – giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ) – cho rằng việc giá vàng miếng SJC tăng liên tục là do tâm lý thị trường.
“Trước khi đấu thầu vàng, tâm lý nhà đầu tư còn e ngại sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước sẽ kéo giá vàng đi xuống. Tuy nhiên sau khi đấu thầu, lo ngại này không còn vì sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại bị đẩy lên một mức kỷ lục mới”, ông Trọng nói.
Ông cũng dẫn chứng trước phiên đấu thầu vàng đầu tiên, giá vàng thế giới từng lên mức 2.417 USD/ounce (quy đổi tương đương 73,15 triệu đồng/lượng), khi đó giá bán vàng miếng SJC trên thị trường ở mức 83,8 triệu đồng/lượng.
Hiện nay giá vàng thế giới chỉ còn 2.310 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 70,96 triệu đồng/lượng, thế nhưng giá bán vàng miếng SJC tiệm cận 90 triệu đồng/lượng.
“Người dân thấy rằng việc can thiệp thị trường vàng thông qua đấu thầu không kéo giá vàng giảm như mong đợi, nên hoạt động mua diễn ra nhiều hơn. Nguồn cung vẫn hạn chế nên giá tăng liên tục khi có sức mua”, ông Trọng phân tích.
Cũng theo ông Trọng, để can thiệp thị trường hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước cần có mục tiêu cụ thể, song song đó cần có sự điều chỉnh để các doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu nhiều hơn. Còn hiện nay các doanh nghiệp vàng không mặn mà đấu thầu vì phải bỏ ra số tiền lớn trong khi rủi ro lại quá cao.