Sàn đấu giá quốc tế năm nay ít tranh Việt, chỉ có một tác phẩm của danh họa Nguyễn Phan Chánh đạt triệu USD.
Năm nay tranh Việt xuất hiện tại các phiên do hãng Sotheby”s, Christie’s, Aguttes tổ chức, đa số là tác phẩm của họa sĩ Đông Dương. Buổi đấu giá chủ đề Hội họa hiện đại Việt Nam của Aguttes hướng đến kỷ niệm 100 năm thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) là một trong những sự kiện nổi bật, chào bán hơn 20 tranh của danh họa Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ. Tuy nhiên qua các phiên đấu, doanh thu không đạt con số ấn tượng.
Đến tháng 6, thị trường nghệ thuật mới xuất hiện tác phẩm triệu USD đầu tiên của năm. Đó là bức sơn dầu Les Chanteuses de Campagne (Người hát dân ca) do họa sĩ Nguyễn Phan Chánh vẽ được Sotheby’s gõ búa 1,02 triệu euro (1,06 triệu USD), bao gồm thuế, phí, đứng thứ 15 trong top 20 tranh Việt đắt giá nhất mọi thời. Bức họa tả hai ca nương ngồi đối diện nhau, mặc áo nâu, quần lĩnh, đội nón quai thao, cầm quạt, đi chân đất. Họa sĩ vẽ tác phẩm 100 năm trước, sử dụng tông màu nâu trầm đặc trưng.
Tranh của Lê Phổ – danh họa từng có nhiều bức triệu USD trên thị trường – chịu chung tình trạng giá tranh thấp năm nay. Gần nhất trong phiên của Sotheby’s Hong Kong hồi tháng 11, tác phẩm Confidence của ông đạt 4,8 triệu HKD (15,6 tỷ đồng). Song mức này chưa vượt qua mức ước tính là từ năm đến bảy triệu HKD (khoảng 16,2-22,7 tỷ đồng).
Tại buổi đấu giá do Aguttes tổ chức vào tháng 3, tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ, Lương Xuân Nhị, Vũ Cao Đàm chỉ bán được vài trăm nghìn euro. Trong đó cao nhất là bức En plein air (Ngoài trời) của Mai Trung Thứ, có giá 828.420 euro (hơn 22,3 tỷ đồng).
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định giống năm 2023, tranh Việt trên sàn quốc tế năm nay không đột phá, chỉ có vài ”ánh sáng” le lói nên chưa đủ tạo nên sự sôi động.
Số lượng tranh Việt triệu USD đạt đỉnh cao vào giai đoạn 2020-2021. Trong đó bức Chân dung cô Phương của danh họa Mai Trung Thứ được Sotheby’s gõ búa 3,1 triệu USD, là tác phẩm hội họa Việt đắt nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên từ năm 2023, nền kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều thách thức, gây tác động tới giá tranh Việt trên sàn quốc tế.
Ngoài ra, thị trường ít tên tuổi tạo sự mới mẻ như họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, trong khi tranh các danh họa Lê Phổ, Mai Trung Thứ đã xuất hiện nhiều. Ông Ngô Kim Khôi cho rằng những tác phẩm ấy đang dần mất sức hút với giới sưu tập, đồng thời khó xác minh thật, giả.
Vấn nạn tranh giả gây hoang mang cho nhiều nhà sưu tập.
Trong buổi đấu giá của Christie’s Hong Kong cuối tháng 5, bức Portrait of a Girl (Chân dung một cô gái) của Nguyễn Sáng và Ancient Dance (Điệu múa cổ) của Nguyễn Tư Nghiêm bị nghi ngờ tính xác thực.
Giới chuyên môn nhận định Portrait of a Girl được sao chép từ tác phẩm lụa của Nguyễn Sáng, tả chân dung bà Ngọc Hà, vợ ông Nguyễn Kim Sơn. Thời gian hoàn thành tranh gốc là ngày 30/4/1978, trong khi web của hãng đấu giá ghi năm 1971. Còn ở bức Ancient Dance, nhà sưu tầm Lý Đợi cho rằng kỹ thuật sơn mài trên bức vẽ có phần khác biệt với phong cách Nguyễn Tư Nghiêm.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long từng nhận định khi Lê Phổ trở thành họa sĩ Việt đầu tiên đạt mốc triệu USD, nguy cơ tranh giả tăng cao, chủ yếu là tác phẩm thời Đông Dương vì giá cao, các họa sĩ phần lớn đã mất. Điều này làm uy tín tác giả đi xuống, thị trường nghệ thuật nhiễu loạn, người mua dễ mất tiền oan.
Theo giám tuyển Ace Lê, cần kiểm tra bức họa ở khía cạnh giám định lai lịch, thị giác và pháp khoa. Cụ thể, nhà sưu tập nên đối chiếu các thông tin về lịch sử giao dịch và nguồn gốc với kho dữ liệu, tìm những bằng chứng như giấy chứng thực, hóa đơn mua bán, hình ảnh, video, bài báo có chú thích về tranh. Ví dụ tác phẩm Người hát dân ca từng xuất hiện trong ảnh triển lãm của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930 và hồ sơ Đấu xảo Paris 1931.
Người mua cũng cần phân tích bút pháp, chữ ký trong bức vẽ, so sánh với hệ thống tác phẩm của họa sĩ, chú ý cỡ tranh, đề tài, bố cục, màu sắc, thủ pháp. Cuối cùng, giám định pháp khoa là nghiệm soi các chất liệu cấu thành tranh.
Ông Lê Quang – đại diện nhà đấu giá Le Auction House – cho rằng mỗi người phải trang bị đủ chuyên môn, sự tỉnh táo để đầu tư vào tác phẩm có nguồn gốc chính xác, đảm bảo tranh được giao dịch đúng giá trị.