Mỗi kg sườn non tại chợ có giá 180.000 đồng, ba rọi 150.000 đồng, tăng 30% so với đầu năm và là mức cao nhất 4 năm qua.
Chị Hạnh (Gò Vấp) cho rằng hai tháng trước, sườn non có giá 120.000-140.000 đồng một kg, nay lên 180.000 đồng. Giá này cao bằng mức đỉnh của năm 2020.
Ghi nhận của VnExpress tại các chợ truyền thống cũng cho thấy giá thịt heo đang ở mức cao. Thịt ba chỉ dao động 140.000-160.000 đồng một kg, sườn non từ 150.000-180.000 đồng, tăng 20-30% so với đầu năm và 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Giò heo, nạc dăm, thịt mông và vai cũng tăng thêm 20.000 đồng so với ba tháng trước và khoảng 10.000 đồng so với cùng kỳ 2023.
Chị Loan, tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình) cho rằng giá thịt heo tăng cao đã khiến sức mua giảm mạnh. Hai tuần nay, thay vì nhập nguyên con, chị chỉ nhập khoảng hai phần ba, hoặc một nửa con heo.
Bà Hồng, tiểu thương bán thịt heo trên đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp), cho rằng giá mặt hàng này đã tăng liên tục ba tuần nay, quay trở lại mức đỉnh 4 năm trước.
Giá thịt heo tăng chủ yếu do giá hơi tăng mạnh. Theo báo cáo mới nhất của chợ đầu mối Hóc Môn, giá heo hơi ngày 8/7 tại chợ của Công ty C.P Việt Nam là 67.000 đồng một kg cho hàng loại 1 và 65.000 đồng một kg cho hàng loại 2.
Thậm chí, giá heo hơi trong dân có nơi lên 70.000 đồng một kg. Cùng với sự tăng giá của heo hơi, giá thịt pha lóc cũng tăng theo, đạt mức 140.000 đồng một kg cho sườn non và 115.000 đồng cho ba rọi.
Lãnh đạo chợ đầu mối cho biết do nguồn cung giảm, dẫn đến giá heo hơi tăng cao. Năm nay, giá hơi tăng trái với quy luật tiêu dùng khi liên tục leo thang vào mùa hè.
Anh Thành, một thương nhân phân phối heo tại chợ đầu mối, cho biết suốt năm 2023, giá hơi quá thấp, người chăn nuôi thua lỗ nên đã giảm số lượng, dẫn đến sản lượng xuất chuồng hiện nay giảm mạnh. Năm ngoái, giá hơi xuất chuồng chỉ ở mức 48.000-52.000 đồng một kg, khiến người nuôi lỗ 5.000 đồng một kg. Với mỗi con xuất chuồng, hộ nông dân phải chịu lỗ từ 5-10 triệu đồng, nhiều hộ nuôi hàng nghìn con sẽ lỗ hàng tỷ đồng, không còn vốn để tái đàn.
Không chỉ nông dân, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng buộc giảm đàn để tránh thua lỗ. Hiện nay, dù họ đã tăng cường tái đàn, nguồn cung ra thị trường vẫn không nhiều như năm ngoái.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết khảo sát sơ bộ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các doanh nghiệp lớn cho thấy họ đã giảm đàn từ 30-40%, có nơi giảm tới 70%.
Dẫu vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo rằng nguồn cung heo sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn còn phức tạp, giá thịt heo có thể duy trì ở mức cao và chỉ giảm trở lại vào năm 2025.
Bà Hồng tiểu thương trên đường Phạm Văn Chiêu cũng nhìn nhận vài tháng nữa khi học sinh vào mùa tựu trường, nhu cầu tăng cao, giá sẽ còn đi lên.