Sau khi những bộ phim “bom tấn”, nổi tiếng như Đông Dương, Kong: Skull Island… ra đời vào năm 1992 và 2017 thì du lịch Quảng Ninh thu hút đông đảo du khách tới để thăm các địa điểm đóng phim…
Được mệnh danh là “Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh có cảnh quan trên rừng, dưới biển tuyệt đẹp và cũng không ngạc nhiên khi đây là điểm đến của nhiều bộ phim truyền hình, phim “bom tấn”.
Vịnh Hạ Long được nhiều đạo diễn trong và ngoài nước tin tưởng, lựa chọn làm bối cảnh trong các tác phẩm của mình. Phim thành công, nổi bật nhất với bối cảnh quay ở Vịnh Hạ Long, không thể không nhắc đến bộ phim Indochine (Đông Dương) của đạo diễn người Pháp Régis Wargnier, công chiếu lần đầu năm 1992.
Không chỉ tạo sức hút với truyền thông về chất lượng điện ảnh, hình ảnh Vịnh Hạ Long còn xuất hiện ở áp phích hay trailer quảng cáo của bộ phim này, hiệu ứng tuyên truyền, quáng bá từ bộ phim như “đòn bẩy”, mang đến tín hiệu tích cực cho ngành du lịch. Sau khi phim “Đông Dương” được công chiếu, rất nhiều khách quốc tế, đặc biệt khách Pháp khi tới Hạ Long đều ghé thăm vụng Oản, bối cảnh của phim.
Nối tiếp đó, vào năm 2015, Vịnh Hạ Long từng xuất hiện đầy huyền ảo, đẹp tựa xứ sở thần tiên cổ tích trong bộ phim “Pan và vùng đất Neverland” do Hollywood đầu tư sản xuất. Gần đây nhất, vào năm 2017, bộ phim “Kong: Skull Island” (Kong: Đảo đầu lâu) do đạo diễn Vogt – Roberts thực hiện với nhiều cảnh quay hoàn mỹ về Vịnh Hạ Long đã được công chiếu tại các rạp chiếu phim trên toàn cầu. Sau khi công chiếu, bộ phim đã tạo nên “cơn sốt” phòng vé với khán giả Việt Nam.
Không chỉ có Vịnh Hạ Long, Cô Tô và nhiều địa danh Quảng Ninh đã xuất hiện trên nhiều bộ phim tài liệu, phim truyền hình ăn khách như “Cả một đời ân oán”. Trên phim, vùng biển tươi đẹp Cô Tô, quang cảnh kỳ vỹ bãi đá Móng Rồng đã xuất hiện. Sau khi công chiếu, du khách đổ dồn về thăm hỏi, chụp ảnh lưu niệm, khiến chủ quán nơi đây đón khách không xuể.
Theo thống kê sơ bộ, trong vài năm qua, thắng cảnh ở Quảng Ninh, đặc biệt Vịnh Hạ Long đã là bối cảnh của cả chục bộ phim truyền hình, thậm chí các phim bom tấn nước ngoài. Đáng kể như phim The Partner (Người cộng sự), Viet Nam – Straumshiff (Việt Nam – Con tầu mơ ước), The vertical Ray of the Sun (Mùa hè chiều thẳng đứng) cùng vô số phim truyền hình Việt “ăn khách” khác.
Tin vui là gần đây, Vịnh Hạ Long lại tiếp tục xuất hiện đầy ấn tượng trong trailer phim “The Creator” (Kẻ kiến tạo), với mức đầu tư lên đến 80 triệu USD. “Việc được lựa chọn làm bối cảnh trong các bộ phim nổi tiếng cũng là một cơ hội “vàng” để tuyên truyền, quảng bá du lịch Vịnh Hạ Long đến với công chúng toàn cầu và đưa du lịch tới gần hơn với du khách. Đây cũng là điểm đến mà nhiều khách, đặc biệt khách quốc tế tò mò, ngỏ ý tới thăm” – ông Trần Đăng An, Lữ hành Halotour, nhận định.
Ở nhiều địa phương khác của Việt Nam, phim trường đã trở thành động lực, điểm đến hấp dẫn cho du khách. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chinh phục khán giả thì Phú Yên, nơi được chọn làm bối cảnh chính trong phim, đã trở thành một điểm đến của nhiều du khách, lượng du khách đến Phú Yên tăng 30% so với trước đó. “Chuyện của Pao” với hình ảnh núi non hùng vĩ, sông nước thơ mộng, con người nồng hậu của Hà Giang cũng tương tự. Trong những chuyến đi Tràng An, những điểm đóng phim Kong: Skull Island… luôn được hướng dẫn viên và những người chèo đò thân thiện giới thiệu tận nơi cho du khách…
Không chỉ Việt Nam mà nhờ hiệu ứng điện ảnh, nhiều nước đã phát huy thế mạnh hút khách tới du lịch ở những địa điểm từng là phim trường. Một ví dụ điển hình là nước bạn Hàn Quốc, phim trường của những bộ phim “bom tấn” như: Nàng Dae Jang Geum, Hậu duệ mặt trời… đều được tận dụng để trở thành những điểm du lịch nổi tiếng, được đưa vào các tour du lịch.
Từ thực tế cách làm trên có thể thấy, Vịnh Hạ Long và các bối cảnh đẹp xuất hiện trong phim ở Quảng Ninh đang là nguyên liệu “vàng” để phát triển du lịch, thu hút khách. Chúng ta nên học hỏi để tận dụng lợi thế “vàng” này trong quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch, đồng thời nâng cao chất lượng điểm đến thay vì để không, chưa được phát huy như hiện tại.