Sau dịch Covid-19, du lịch trên Vịnh Hạ Long từng bước có sự hồi phục mạnh mẽ. Cùng với sự thu hút trở lại về lượng khách tham quan trên Vịnh Hạ Long, du khách theo các tuyến tàu khách cố định từ 2 cảng tàu du lịch của Quảng Ninh sang các bến tàu thuộc Cát Bà, Cát Hải (Hải Phòng) cũng gia tăng mạnh mẽ. Điều này tiếp tục đặt ra bài toán trong quản lý nguồn thu của di sản cũng như đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp, du khách về lâu dài…
“Mượn đường” qua Vịnh Hạ Long
Qua tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, thời gian qua, tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Cảng tàu khách du lịch Hạ Long có khoảng 60 phương tiện xuồng cao tốc và chuyển tải dạng tender của Quảng Ninh và TP Hải Phòng thực hiện đón và vận chuyển du khách sang đảo Cát Bà và ngược lại theo dạng tuyến cố định trên tuyến đường thủy nội địa nối giữa hai địa phương (cùng với tuyến phà Tuần Châu – Gia Luận). Điều đáng nói, đây vốn là tuyến tàu cố định phục vụ nhu cầu dân sinh, tuy nhiên thực tế hiện nay lại chủ yếu phục vụ khách du lịch.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Đa phần các tàu này khi đi sang vùng biển Hải Phòng không vào bến Gia Luận theo quy định mà đưa khách trực tiếp lên các tàu du lịch lưu trú nghỉ đêm và tàu tham quan của Hải Phòng, đưa khách đi tham quan Vịnh Lan Hạ của Cát Bà. Quá trình quảng bá, tiếp thị, các đơn vị lữ hành, tàu du lịch thường gọi đây là tour “Hạ Long – Cát Bà” với khẩu hiệu “Một hành trình, hai điểm đến”.
Thực tế, cung đường này dài khoảng 7km và ngoại trừ hòn Trống Mái thì các tàu thường không cho du khách đi qua, dừng lại tại cảnh điểm nào khác của Vịnh Hạ Long. Chi phí này du khách phải chi trả, với mức khoảng 200.000/khách/2 chiều. Ngược lại, du khách không phải đi theo lối của Hải Phòng xa hơn lại cách trở sông nước, hiện vẫn phải qua phà tương đối bất tiện.
Chính vì vậy, số lượng du khách “mượn đường” theo lối tắt này có sự gia tăng theo từng năm. Qua thống kê chưa đầy đủ của Ban quản lý Vịnh Hạ Long, năm 2022 có trên 300.000 lượt khách đi từ Hạ Long sang Cát Bà qua Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu. Năm 2023, con số này tăng lên trên 400.000 lượt khách. Qua đó, không chỉ làm gia tăng mật độ phương tiện trên tuyến đường thủy nội địa này, ảnh hưởng đến môi trường mà còn gây thất thu phí tham quan Vịnh Hạ Long.
Không chỉ là thu phí…
Chính vì vậy, ông Cường cho hay, đơn vị đang khẩn trương lập Đề án đề xuất thu phí tham quan Vịnh Hạ Long đối với khách du lịch khi đi qua Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu hoặc Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long để sang vịnh Lan Hạ – Cát Bà với mức phí hợp lý trên cơ sở khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, tổng thể gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động du lịch, dịch vụ vận tải du lịch trên Vịnh Hạ Long. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, nhất là trong việc thu phí tham quan, việc đón trả khách du lịch không đúng bến bãi, tour tuyến, điểm du lịch và hoạt động của phương tiện vận tải khách tuyến cố định Tuần Châu – Gia Luận.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, khẳng định: Việc các tàu đi theo tuyến cố định chuyển tải khách du lịch qua Vịnh Hạ Long sang Cát Bà tồn tại đã lâu. Vì vậy, chúng tôi rất đồng tình việc Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đề xuất thu phí tham quan Vịnh Hạ Long đối với khách du lịch đi tuyến này. Khách đã bước chân xuống di sản thì phải mua vé tham quan, như thế mới đảm bảo công bằng với tất cả du khách cũng như các tàu du lịch đang kinh doanh trên Vịnh Hạ Long. Nếu không muốn trả khoản phí này thì du khách có thể đi phà theo tuyến có sẵn Tuần Châu – Gia Luận (Cát Bà, Cát Hải) với 2 đầu điểm đến theo quy định…
Về lâu dài, ông Cường cho hay, để gia tăng trải nghiệm cho du khách, đơn vị dự kiến sẽ đề xuất với cơ quan có thẩm quyền mở thêm 1 tuyến tham quan mới trên Vịnh Hạ Long, thuận đường di chuyển từ các cảng của Hạ Long sang Vịnh Lan Hạ. Tuyến tham quan này sẽ không chỉ đi qua hòn Trống Mái mà còn nhiều cảnh điểm đẹp trên Vịnh Hạ Long, như động Mê Cung, hang Tiên Ông…
Tạo hướng mở cho các loại hình mới
Thời gian qua, cùng với sự phục hồi của du lịch trên Vịnh Hạ Long, một số doanh nghiệp đã tiếp tục đầu tư những sản phẩm mới là các du thuyền cao cấp, tàu nhà hàng hoạt động trên vịnh và khu vực ven bờ. Qua tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, trên Vịnh Hạ Long hiện nay có 2 du thuyền khám phá hoạt động không thường xuyên; 4 tàu nhà hàng đang hoạt động, 3 tàu đang đóng mới và 2 tàu có chủ trương chấp thuận nhưng chưa triển khai thi công. Như vậy, trong năm nay dự kiến có 7/9 tàu nhà hàng hoạt động.
Các dịch vụ tàu nhà hàng và du thuyền khám phá là những sản phẩm du lịch mới, đã được UBND tỉnh cho phép tổ chức hoạt động trên Vịnh Hạ Long, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, gia tăng trải nghiệm cho du khách. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã có nhiều cách làm như tổ chức sự kiện, biểu diễn nghệ thuật trên tàu kết hợp ngắm cảnh đêm, thưởng thức ẩm thực đã tạo sức hút tương đối lớn với du khách. Đơn cử, tàu nhà hàng Sea Octopus và Paradise Delight theo ước tính đều đón hơn 30.000 khách trong năm 2023. 4 tháng đầu năm nay, cả 2 tàu này đón tổng là 26.000 khách…
Có số lượng khách trải nghiệm khá lớn, tuy nhiên thời gian qua, các mô hình này mới đang làm thí điểm, vì vậy chưa tiến hành thu phí tham quan với du khách. Hiện nay, TP Hạ Long cũng đang đề nghị tỉnh chỉ đạo quy hoạch khu vực tàu nghỉ đêm, khu vực neo đậu ven bờ vịnh dọc tuyến đường Trần Quốc Nghiễn, tạo cảnh quan trên bến dưới thuyền hấp dẫn du khách, phục vụ phát triển kinh tế đêm trên địa bàn.
Ông Cường cho hay, tới đây khi mô hình đi vào hoạt động chính thức, các cơ quan chức năng công bố tuyến tham quan, điểm neo đậu ngủ đêm ven bờ thì việc thu phí tham quan sẽ triển khai với dòng khách này. Đơn vị sẽ đề xuất ban hành loại phí mới là phí tham quan chung Vịnh Hạ Long (bao gồm cả vùng lõi và vùng đệm của di sản) áp dụng cho từng đối tượng đặc thù nêu trên. Đây vừa là hướng mở, tạo thuận lợi cho các loại hình tàu du lịch mới xuất hiện này, đồng thời gia tăng nguồn thu phí tham quan, góp phần đầu tư trở lại cho di sản Vịnh Hạ Long và sự phát triển chung của địa phương.