Sản xuất nông nghiệp vụ Đông của Quảng Ninh năm nay diễn ra trong bối cảnh toàn ngành vừa hứng chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3 Yagi. Sau bão, ngành nông nghiệp quyết tâm triển khai hiệu quả sản xuất vụ Đông, lấy vụ Đông để gia tăng giá trị, đảm bảo mức tăng trưởng tốt nhất có thể đạt được cho ngành nông nghiệp Quảng Ninh năm 2024 cũng như tạo đà cho nông nghiệp Quảng Ninh trong năm 2025.
Vựa lúa Đông Triều trong bão số 3 có cả ngàn héc ta lúa, màu bị ngập úng, số lượng cây trồng và vật nuôi bị chết trôi rất lớn. Từ sự chủ động của người nông dân, rất nhanh sau đó, các vùng hoa, cây cảnh, rau, ngô, khoai tây của Đông Triều đã được triển khai, kịp thời bước vào vụ Đông 2024. Thời điểm trung tuần tháng 12, cánh đồng hoa, quất cảnh, đào thế ở Bình Khê, một vùng trọng tâm sản xuất vụ Đông của Đông Triều đã vào giai đoạn phát triển mạnh nhất. Những cây quất ở đây một phần được chống dựng lại sau bão, một phần được trồng mới, trồng bổ sung, trồng xen, đến nay cây đã chắc thân, tốt lá, chuẩn bị đơm hoa kết quả. Cả cánh đồng hoa, cây cảnh của Bình Khê xanh ngắt một màu tốt tươi giàu sức sống.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, vợ chồng anh Phùng Văn Thắng, khu Dọc Mản, phường Bình Khê, TP Đông Triều tập trung chăm tỉa cây hoa dơn. Anh Thắng cho biết: Thường thì vụ dơn cuối năm luôn mang lại nguồn thu nhập tốt cho gia đình. Năm nay, vợ chồng tôi cũng trồng 6 sào dơn, kỳ vọng hoa sẽ nở vào đúng dịp tết và bán được giá cao, mang lại cái tết đủ đầy sung túc.
Trên cánh đồng Mầm Tẻ thuộc khu Bắc Mã 1, phường Bình Dương, TP Đông Triều người dân đang vào độ vun luống cho cây khoai tây. Hàng chục thiết bị nông nghiệp hiện đại được người dân sử dụng, giúp cho công việc cày ải, vun xới không còn vất vả như trước đây. Cơ giới hóa nông nghiệp đang ngày càng phổ biến trên những cánh đồng vụ Đông của Đông Triều, một phần là do giá trị canh tác cây vụ Đông mang lại khá cao, giúp người dân có điều kiện về kinh tế, phần khác là do yêu cầu của xu thế sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp.
Ruộng khoai tây của gia đình chị Nguyễn Thị Vân xanh tốt nhất cánh đồng Mầm Tẻ. Bằng kinh nghiệm hơn 10 năm trồng khoai tây của mình, chị Vân cho rằng vụ khoai này gia đình sẽ thắng lợi. Chị Vân cho biết: Trước đây vụ Đông người dân bỏ ruộng. Từ ngày trồng khoai tây thu nhập tốt, người dân trồng đều, không có diện tích đất để trống.
Cùng với Đông Triều, các địa phương trên toàn tỉnh tranh thủ điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ trồng cây vụ Đông, đảm bảo kế hoạch cung cấp đủ các loại sản phẩm trước và sau Tết Nguyên đán 2025. Trong đó, thị xã Quảng Yên phấn đấu gieo trồng trên 1.600ha cây rau màu trong vụ Đông 2024. Các địa phương Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Móng Cái, Hải Hà, Uông Bí, Hạ Long, Vân Đồn… trên cơ sở điều chỉnh kịch bản phát triển KT-XH phù hợp với tình hình thực tiễn sau cơn bão số 3 đều đã tập trung phát huy thế mạnh đối với một số hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong đó tăng diện tích trồng trọt, tạo điều kiện khích lệ các cơ sở, các tổ hợp tác, HTX sản xuất, kinh doanh phát huy thế mạnh trong việc chế biến nguyên liệu thô, nhằm nâng cao giá trị hàng hóa… Các địa phương cũng thực hiện tốt công tác điều tra, dự báo tình hình, hướng dẫn nông dân tổ chức phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại trên cây trồng vụ Đông; tăng cường công tác kiểm tra đối với lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật…
Anh Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch HND phường Cộng Hoà, TX Quảng Yên cho biết: Chúng tôi đã cùng người dân diệt trừ sâu bệnh hại cây, đảm bảo cung ứng nước tưới, kết nối giới thiệu vật tư đầu vào và tiêu thụ nông sản đầu ra cho bà con… nhằm mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất cây vụ Đông trên địa bàn.
Theo kịch bản sản xuất cây vụ Đông của Sở NN&PTNT, vụ Đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu đạt diện tích gieo trồng 8.000ha, tăng 343ha so với năm trước; phấn đấu đạt tổng sản lượng lương thực cây có hạt trên 4.400 tấn và phấn đấu đạt giá trị vụ Đông trên 1.500 tỷ đồng. Để đạt được các chỉ tiêu này, ngay từ sớm Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã sớm rà soát, tham mưu cho Sở NN&PTNT về chủng loại, diện tích cây trồng cũng như quy trình canh tác, phòng trừ sâu bệnh cụ thể cho từng loại cây. Ông Nguyễn Khắc Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chia sẻ: Chi cục đã tham mưu tỉnh cấp phát 5.000 tấn ngô giống để hỗ trợ bà con, hướng dẫn bà con về phòng trừ sâu bệnh, động viên bà con tận dụng diện tích để canh tác cây vụ Đông… Tính đến thời điểm trung tuần tháng 12, toàn tỉnh đã thu hoạch và cung ứng ra thị trường gần 100.000 tấn rau vụ Đông các loại, trên diện tích canh tác khoảng 2.500ha. Các loại cây trồng vụ Đông đang phát triển tốt, hứa hẹn mang lại sản lượng, giá trị, doanh thu và lợi nhuận cao, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.