Vừa qua, với việc công nhận thêm 16 Cây di sản Việt Nam tại Cẩm Phả, Vân Đồn đã nâng tổng số Cây di sản trong toàn tỉnh Quảng Ninh lên tới trên 160 cây các loại. Điều đáng chú ý là hầu như số cây này đều liên quan tới các khu di sản, khu du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh, từ đó cùng với việc bảo vệ, gìn giữ nên chăng cần tìm cách phát huy giá trị Cây di sản để thu hút du khách, gia tăng giá trị các di sản hiện tồn.
Độc đáo, sức hấp dẫn cao
Hiện nay, khu di tích – danh thắng Yên Tử có số lượng Cây di sản lớn nhất trong toàn tỉnh với tổng số 144 cây, đã được công nhận từ năm 2016. Cụ thể gồm 102 cây xích tùng, 21 cây mai vàng, 10 cây thông nhựa, 9 cây đại, 1 cây thị và 1 cây đa tía.
Các cây di sản đều có tuổi đời khá cao, nhiều cây có tuổi đời từ 300-700 năm nhưng lại gần gũi, quen thuộc với du khách khi về với Yên Tử, bởi chúng hiện diện nhiều trên các tuyến hành hương và các điểm chùa, am, tháp của di sản.
Đơn cử như ở trên tuyến đường bộ từ chùa Giải Oan lên tới tháp Tổ Huệ Quang, xích tùng được trồng theo hàng tạo thành con đường tùng tuyệt đẹp. Còn những cây đại cổ thì được trồng nhiều cả ở chùa Giải Oan, khu tháp Tổ cho tới khu vực chùa Hoa Yên. Du khách vừa dâng hương vừa có thể chiêm ngưỡng những cây đại sum suê nơi đây với sắc thái khác biệt theo mùa, khi trơ trụi, mốc thếch xù xì, lúc lại tươi tốt xanh tươi, nở đầy hoa toả hương thơm đặc trưng.
Thời điểm này khi về với danh sơn, du khách lại xuýt xoa khi được thưởng lãm sắc hoa vàng tươi của những cây mai Yên Tử mọc trên các sườn núi. Hay khi dừng chân ở khu vực chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, du khách sẽ đặc biệt ấn tượng với hình ảnh “2 trong 1” của cây đa “ôm” cây thị độc đáo bên cạnh tháp Tịnh Quang. Cây cao, đẹp với hệ rễ phụ vươn dài rất hùng vĩ.
Các Cây di sản của Yên Tử đều không phải cây mọc tự nhiên, tương truyền là do các thiền sư khi về tu tập đã trồng tại Yên Tử từ hàng trăm năm trước, trên các tuyến đường hành hương và xung quanh khuôn viên các di tích. Với sức sống mãnh liệt, ý nghĩa sâu xa, các loại cây được xem như biểu tượng của Phật giáo Trúc Lâm, nhắc nhớ về sự hình thành và phát triển của dòng thiền này ở Yên Tử. Gắn với sự trường tồn của Yên Tử, những cây cổ này trải qua thời gian đã mang trong mình những giá trị văn hoá, trở thành một phần quan trọng, không thể thiếu của di sản.
Với 144 cây di sản được công nhận cùng lúc khi ấy, Quảng Ninh có lẽ là tiền lệ hiếm trong cả nước. Kể từ đó cho tới đầu năm 2023, Quảng Ninh mới lại có 1 cây si và 1 cây đa có tuổi đời hơn 350 năm ở xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên), được công nhận danh hiệu này.
Gần đây nhất, vào đầu tháng 3 vừa qua, TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn tiếp tục có 16 Cây di sản được công nhận. Trong đó có 2 cây đa, 9 cây nhãn và 1 cây long não trong khuôn viên Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông – Cặp Tiên; 3 cây thông và 1 cây trám cổ tại miếu Ba Cây Thông, xã Dương Huy. Qua tìm hiểu được biết, một số cây trai lý, trâm đỏ và rừng trâm mốc thuộc quyền quản lý của Vườn quốc gia Bái Tử Long cũng đã hoàn tất khâu thẩm định công nhận Cây di sản Việt Nam.
Chung tay gìn giữ
Giống như ở Yên Tử, đa số những cây cổ này gắn với các di tích hoặc khu vực rừng được khoanh vùng bảo tồn tốt, có ý nghĩa quan trọng với người dân địa phương. Đơn cử như những cây cổ ở đền Cửa Ông, không chỉ tạo cảnh quan đẹp, bóng mát mà còn được chính quyền, đơn vị quản lý quan tâm chăm sóc, kiểm tra sâu bệnh, thậm chí có những tác động, điều chỉnh để cây có không gian phát triển phù hợp. Hay như ở miếu Ba Cây Thông, gắn với tín ngưỡng của người Việt nên cây được gìn giữ, bảo vệ qua nhiều thế hệ, đã trở thành những cây thông lớn nhất được phát hiện ở Quảng Ninh cho tới nay.
Nổi tiếng, được nhiều người biết tới là khu rừng trâm trên đảo Minh Châu, huyện Vân Đồn. Rừng trâm có diện tích trên 3,4ha với cả trăm cây sống quần tụ bao quanh đảo, ước tuổi đời lên đến khoảng 300 năm. Những cây trâm khoẻ khoắn đan cài vào nhau, cùng nhau chắn gió bão, chắn cát, chắn sóng biển để bảo vệ vùng đất liền của cư dân phía trong, một thời còn cứu đói người dân xã đảo.
Chính vì vậy, rừng trâm đã được người dân nơi đây chung sức bảo vệ bao năm qua, không để xảy ra tình trạng xâm hại rừng. Những năm gần đây, khu rừng trâm cổ này cũng đã trở thành một điểm tham quan thú vị đối với du khách tới đảo.
Cùng nằm trong khu vực của Vườn quốc gia Bái Tử Long được bảo vệ nghiêm ngặt, cây trai lý kể trên sinh trưởng tại khu vực núi đá hiểm trở của tiểu khu 201 Máng Hà Nam, được cho là một trong những cây còn sót lại của quần thể cây trai lý trên đảo đá Bái Tử Long. Cây trai lý là giống gỗ quý, hiếm thuộc nhóm IIA, vì vậy đây có thể coi là cây tổ hoặc cây mẹ, có khả năng cung cấp vật liệu giống để nhân giống hoặc lai tạo giống trai lý cho một vùng rộng lớn trên khu vực núi đá vôi này như trước kia.
Chia sẻ về việc bảo tồn các Cây di sản tại Yên Tử, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, cho biết: Các cây di sản của Yên Tử đều nằm trong phạm vi rừng quốc gia Yên Tử, nghĩa là trong phạm vi được bảo vệ nghiêm ngặt. Vì vậy, kinh phí để bảo tồn rừng quốc gia cũng chính là để bảo vệ các cây di sản trong đó. Số lượng cây mỗi loài thực tế lớn hơn nhiều số cây được công nhận là Cây di sản nên chúng tôi không đặt vấn đề kinh phí bảo vệ cây di sản mà là bảo vệ nghiêm ngặt rừng quốc gia Yên Tử, không để bị xâm hại.
Những cây đại cổ, cây mai vàng, thông đa phần vẫn xanh tươi, phát triển tốt. Dự án nghiên cứu, nhân giống mai vàng Yên Tử đã thành công, không chỉ giảm thiểu việc khai thác, chặt hạ cây tự nhiên, mà còn tạo cơ hội nhân giống mai vàng trong khu di tích, tạo thành sản phẩm du lịch cũng như phục vụ dân sinh. Riêng cây xích tùng vì có nhiều cây bị sâu bệnh, lão hoá, sét đánh, bão quật đổ… thì chúng tôi cũng đã thực hiện Dự án bảo tồn cây xích tùng cổ tại Yên Tử trong những năm qua.
Theo đó, phòng chống sâu bệnh hại, ươm gieo, trồng bổ sung, phục hồi những cây tùng con gần vị trí những cây to đã bị sâu bệnh hại, chết khô, đổ gãy… Cùng với đó, thực hiện công tác tuyên truyền tới người dân, du khách khi hành hương về Yên Tử; mở thêm đường trúc để hạn chế lượng khách đi qua đường Tùng, giẫm lên các rễ tùng ăn nổi trên mặt đất…
Cơ hội khai thác cho du lịch
Theo tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, giai đoạn này nhiều địa phương đã và đang tích cực trong việc kiểm kê, rà soát, lập hồ sơ đăng ký công nhận Cây di sản Việt Nam. Qua đó tạo nên phong trào “bảo tồn cây cổ thụ”, có ý nghĩa tích cực trong bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường.
Tuy nhiên, việc chủ động khai thác vẻ đẹp, giá trị của hệ thống Cây di sản phục vụ du lịch thời gian qua còn khá hạn chế. Hiện nay có lẽ mới có duy nhất Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đứng chân khai thác các dịch vụ kinh doanh tại Yên Tử thực hiện điều nay. Công ty đã đầu tư khu nghỉ dưỡng dưới chân núi, kết nối với các công ty du lịch, lữ hành xây dựng tour cho khách tới trải nghiệm tại các hàng tùng cổ lồng ghép thông qua những khoá tu, lớp thiền, tuy nhiên số lượng còn tương đối hạn chế.
Cây di sản chỉ là một danh hiệu được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp bằng công nhận. Tuy nhiên, với những cây di sản nói riêng, cây cổ nói chung còn sống tươi tốt cho tới nay, có thể xem chính là vốn quý cho phát triển du lịch sinh thái tại các địa phương, góp phần gia tăng giá trị các khu di sản, đã được nhiều địa phương trong cả nước quảng bá, thu hút du khách tương đối tốt.
Vì vậy, thiết nghĩ các địa phương, doanh nghiệp của Quảng Ninh cần tìm ra những cách thức phù hợp, không chỉ giúp du khách khám phá vẻ đẹp, giá trị cây di sản gắn với các vùng đất, con người nơi chúng hiện hữu mà qua đó còn nâng cao ý thức tự giác, lan toả những hành động đẹp trong gìn giữ, bảo vệ môi trường nói chung.