Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tuần qua của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đều tiếp tục xu hướng giảm. Ngày 22/9, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 613 USD/tấn; Thái Lan 603 USD/tấn; Pakistan 598 USD/tấn.
Như vậy, sau một thời gian tăng nóng, giá gạo xuất khẩu hiện đang ở giai đoạn tăng giảm nhẹ không đáng kể. Từ đó kéo theo giá lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng có xu hướng giảm. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR 504 dao động quanh mốc 7.600-7.800 đồng/kg; OM 5451 ở mức 7.700-7.800 đồng/kg. Một số chủng loại lúa khác, giá duy trì ổn định, như lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 8.000-8.100 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 8.000-8.200 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 giá 8.200-8.400 đồng/kg; lúa Nhật 7.800-8.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá gạo có xu hướng chững lại và đi ngang. Giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 11.600-11.650 đồng/kg; giá gạo thành phẩm IR 504 duy trì ổn định quanh mốc 13.700-13.800 đồng/kg.
Với mức giá như hiện tại, nông dân trồng lúa cũng đang được hưởng lợi. Ông Trịnh Văn Cường- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Cường, ấp An Thành, Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho biết: Giá lúa vụ hè thu hiện ở mức 7.500-8200 đồng/kg. So với vụ hè thu năm ngoái đã tăng từ 1.000-1.500 đồng/kg. Theo đó, nông dân đạt lợi nhuận khoảng 35- 40 triệu đồng/ha. Hiện Hợp tác xã vẫn đang thực hiện giao lúa cho các doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký từ trước.
So với các vụ trước, vụ này bà con tham gia hợp tác xã đông hơn nên diện tích lúa tăng, dự kiến vụ thu đông diện tích liên kết với bà con cũng tiếp tục tăng lên. Nguyên nhân vì nông dân đã nhận thấy lợi ích bền vững của việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, cũng như được cập nhật thường xuyên các kiến thức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng gạo, mang lại giá trị kinh tế cao hơn
|
Đối với các doanh nghiệp, đây cũng là thời điểm tập trung nguồn hàng cho các hợp đồng cuối năm. Dự kiến cả năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo với kim ngạch khoảng 4 tỷ USD.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, giá gạo xuất khẩu thời gian tới có nhiều khả năng sẽ không còn tăng nhiều do các quốc gia nhập khẩu đã có sự thích ứng nhất định sau một thời gian khủng hoảng. Do đó, để tăng sản lượng và tăng kim ngạch xuất khẩu gạo, thì các doanh nghiệp vẫn hướng tới triển khai các hợp đồng gạo chất lượng cao với giá bán cao.
Theo đó, ngoài các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc…, các doanh nghiệp tập trung khai thác thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Như mục tiêu đề ra trong Quyết định 583/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 là phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, các thị trường FTA; gia tăng thị phần gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường các nước phát triển.
Đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 23%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 5%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 5%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 8%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.