Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), sáng 2/5, tại TP Hạ Long, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị gặp mặt, tri cân các Anh hùng Liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh. Dự buổi gặp gặp có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cùng các đại biểu đại diện cho chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và thân nhân anh hùng liệt sỹ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cùng ôn lại truyền thống, ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ. 70 năm trước, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, quyết chiến, quyết thắng, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đây là chiến thắng vĩ đại của nhân dân ta và cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; là chiến thắng của chính nghĩa, của dân tộc Việt Nam anh hùng, của sự đoàn kết “quân với dân một ý chí”. Nhân dân ta từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ trẻ đến già theo lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, thi đua giết giặc lập công, đóng góp sức người, sức của, bảo đảm cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng ngoài mặt trận. Đây cũng là chiến thắng của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; trong đó có sự ủng hộ mạnh mẽ, sự giúp đỡ quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhận được sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc bị áp bức ở Châu Á, Châu Phi, Mỹ La tinh, đặc biệt là liên minh chiến đấu giữa ba nước Đông Dương và phong trào đấu tranh của nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Các đại biểu đều bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới; tưởng nhớ công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người chỉ huy tài tình, tư lệnh của chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng thời, tôn vinh và thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với Anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, chiến sỹ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến, trong đó có những người con ưu tú của quê hương Quảng Ninh đã góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quảng Ninh luôn là chiến trường nóng bỏng, là nơi đọ sức quyết liệt với kẻ thù xâm lược. Từ thành thị đến nông thôn, tới miền núi, hải đảo, mỗi khu phố, mỗi làng xã, xí nghiệp trở thành một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ anh dũng chiến đấu ngay trong lòng địch, lập nhiều chiến công oanh liệt. Những chiến thắng trên mặt trận vùng Đông Bắc Tổ quốc đã góp phần tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, liên hoàn, đánh địch ở khắp các chiến trường; hợp đồng tác chiến với Điện Biên Phủ, không cho địch tập trung binh lực tiếp viện, giải cứu cho Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng Đông Xuân 1953 – 1954, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Đặc biệt, hưởng ứng chủ trương tổ chức, động viên của Đảng, Bác Hồ, với tinh thần “Tất cả vì mặt trận”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hàng trăm người con ưu tú đất Mỏ đã nô nức lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; vượt qua muôn vàn gian khó, ngày đêm bạt rừng xẻ núi, mở hàng trăm km đường giao thông cho bộ đội, dân công chuyển quân, kéo pháo, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, lập nên biết bao kỳ tích.
Buổi gặp mặt, tri ân cũng diễn ra đầy xúc động, khi các đại biểu được gặp gỡ, trò chuyện với một số nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và nghe những câu chuyện xúc động trong suốt 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/Máu trộn bùn non/ Gan không núng, chí không mòn” cùng quân dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh bày tỏ xúc động, vinh dự được gặp lại những tấm gương, tinh thần hăng hái trong chiến đấu của các chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến – những người con ưu tú của Quảng Ninh đã cống hiến sức lực, máu xương của mình góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ – một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Trân trọng và biết ơn sâu sắc những công lao của các Anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, TNXP, dân công trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy gửi đến các đại biểu lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm biết ơn chân thành, sâu sắc nhất. Đồng chí khẳng định: Kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang, nguyện xứng đáng với những hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, đồng bào, chiến sĩ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trong 60 năm qua đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, kiên trì phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa. Tỉnh đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự nhất quán gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người; xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, bảo đảm hài hòa giữa đời sống vật chất và văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”. Tỉnh đã ưu tiên dành nguồn lực và ban hành các chính sách riêng để mỗi người dân Quảng Ninh, nhất là các đối tượng chính sách đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng bày tỏ sự vui mừng, xúc động khi thấy cùng với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân, 70 năm qua, các đồng chí cựu chiến binh, TNXP, dân công, các thương binh, gia đình liệt sĩ đã luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu, trở thành “tấm gương sống” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tham gia xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nhất là tích cực giúp nhau làm kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống, làm giàu hợp pháp, góp phần xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. “Các bác, các anh đã và đang thực sự là những “Chiến sỹ Điện Biên” trong từng suy nghĩ, hành động tại môi trường công tác và đời sống, lan tỏa hình ảnh đẹp đẽ trong lòng nhân dân và cộng đồng” – đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh, hướng trọng tâm vào chất lượng phát triển, chất lượng sống của người dân; tiếp tục làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Trong đó, chú trọng thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công, nhất là người có công ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo người gặp khó khăn trong cuộc sống. Mục tiêu bảo đảm 100% số gia đình và người có công với cách mạng có mức sống cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương theo mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Cùng với đó, thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội”… Sớm hoàn thành dứt điểm việc giải quyết tồn đọng trong chính sách người có công; tập trung chỉnh trang, tu bổ không gian, cảnh quan nghĩa trang liệt sĩ, các khu di tích lịch sử của tỉnh, bảo đảm khang trang, sạch đẹp; tập trung xây dựng các “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng hào hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên.
Tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm; tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta; phát huy mạnh mẽ tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nhìn về phía trước tiến lên, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, thuận lợi, quyết tâm phấn đấu vì một Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành một tỉnh tiêu biểu cả nước về các mặt như căn dặn và mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; cùng cả nước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhân dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có nhiều phần quà trao tặng cho các cựu chiến binh là chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và thân nhân Anh hùng liệt sỹ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh.