Phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần tập trung ưu tiên ban hành đồng bộ và có chất lượng hệ thống pháp luật, các quy định, quy chế, quy trình công tác để thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Nhấn mạnh trên cơ sở thành công của Hội nghị lần thứ nhất và Hội nghị lần thứ hai này, cần phải có nỗ lực cao hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, phối hợp chặt chẽ hơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn và tin rằng những vấn đề được trao đổi tại hội nghị sẽ trở thành bài học, kinh nghiệm quý.
Chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ
Những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thi hành luật, nghị quyết sẽ có phương án giải quyết phù hợp, qua đó, để công tác triển khai thi hành pháp luật ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
Để triển khai hiệu quả công tác thi hành pháp luật, thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu 6 nội dung quan trọng, trong đó: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định trong luật, nghị quyết; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội.
Các quan của Quốc hội cần sớm xem xét, cho ý kiến, thẩm tra kỹ lưỡng đối với báo cáo của Chính phủ, các cơ quan về việc thực hiện yêu cầu trong luật, nghị quyết, báo cáo Quốc hội xem xét, thảo luận trong trường hợp cần thiết, các cơ quan của Quốc hội chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ và đôn đốc các cơ quan thực hiện kịp thời.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua. Sớm ban hành danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 5 và phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo, gắn với thời hạn hoàn thành.
Cùng với đó tiếp tục ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan có trách nhiệm thực hiện cần tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 56 văn bản quy định chi tiết đảm tiến độ, bảo đảm chất lượng để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết, có tính khả thi, nhất quán, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là văn bản quy định chi tiết các luật có mối quan hệ mật thiết với nhau như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, tuyệt đối không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định trong tổ chức thực hiện.
Chính phủ cần chú ý các chính sách, quy định mới, có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai đối với các nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Tiếp tục rà soát các văn bản dưới luật có liên quan các quy định mới của luật, nghị quyết để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành theo thẩm quyền, bảo đảm phù hợp và đồng bộ với các luật, nghị quyết được thông qua; tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.
Yêu cầu nữa là cần chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những thẩm quyền, nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết của Quốc hội, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương, cơ quan mình.
Chủ động xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề phát sinh tại địa phương trong quá trình thi hành luật, nghị quyết; kịp thời báo cáo, đề xuất phương án đối với những vấn đề có vướng mắc để cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, xem xét, xử lý và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả việc thực thi pháp luật.
Nội dung bài viết đã nhấn mạnh “cần tập trung ưu tiên ban hành đồng bộ và có chất lượng hệ thống pháp luật, các quy định, quy chế, quy trình công tác để thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị”. Các cấp, các ngành, địa phương cần quán triệt tinh thần chỉ đạo này.
Qua tình hình thực tế và báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ và các tham luận tại hội nghị sáng nay cho thấy có chuyển biến tích cực trong công tác triển khai luật, nghị quyết, nhất là sau thành công của Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất.
Sớm đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hội nghị nhằm thực hiện chủ trương rất quan trọng của Đảng và Nhà đã được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là việc phải gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, đảm bảo cho hệ thống pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, qua các báo cáo, cho thấy các cơ quan đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt khắc phục mọi khó khăn, thách thức, nhất là sức ép về mặt tiến độ, phạm vi, khối lượng công việc để nỗ lực khẩn trương sớm triển khai thi hành luật, nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, khối lượng công việc cần tiếp tục thực hiện là rất lớn với , gần 400 nội dung, đặc biệt là Luật Đất đai với hơn 100 nội dung, vừa khó, vừa đòi hỏi cao về tiến độ, có nội dung áp dụng luôn từ 1/4; cả 3 đạo luật lớn Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đều có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025, như vậy đòi hỏi tất cả các văn bản quy định chi tiết phải được ban hành đồng bộ, vừa quy định nhiều chính sách mới, đặc thù, các nhiệm vụ, quyền hạn mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông, thông tin kịp thời đến cử tri, nhân dân về kết quả các kỳ họp và về luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò và sự tham gia của mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền về các dự án luật, nhất là dự án Luật Đất đai, theo đó, có những Tiktoker, Blogger phân tích một số nội dung mới thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia.
Đây là một điểm rất mới, thể hiện vai trò của mạng xã hội tham gia vào công tác tuyên truyền, đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống. Dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập, mạng xã hội có đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu các tác phẩm điện ảnh Nhà nước đặt hàng. Cho rằng, nếu không có hiệu ứng của truyền thông xã hội, chưa chắc nhiều người đã biết đến phim “Đào, phở và piano”, vì thế, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là một kinh nghiệm hay và cần phải nghiên cứu.