Năm 2024, Việt Nam được nhận định có nhiều lợi thế để gia tăng xuất khẩu gạo trong bối cảnh thế giới dự báo sẽ thiếu khoảng 5 triệu tấn lương thực. Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo nước ta còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để nâng cao chất lượng, uy tín, giá thành gạo Việt Nam.
Nhiều lợi thế xuất khẩu gạo
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, năm nay nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi Ấn Độ – nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn. Các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.
Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu gạo năm 2024 dự báo tiếp tục sôi động khi nhu cầu của các thị trường tiêu thụ lớn khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia, Trung Quốc và châu Phi tăng cao, do lo ngại thời tiết nắng nóng El Nino sẽ kéo dài đến giữa năm 2024. Giá nội địa cũng dự báo tiếp tục ổn định ở mức cao và duy trì xu hướng đi lên. Do đó, kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2024 khoảng 6,5 triệu tấn.
Ngay từ đầu năm 2024, loạt tin vui đã đến với xuất khẩu gạo Việt Nam. Tổng Công ty Lương thực miền Bắc cho biết, trong tháng 1, Việt Nam tham gia đấu thầu ở Indonesia với số lượng rất lớn, tổng số lượng mời thầu là 500.000 tấn nhưng các nhà xuất khẩu Việt Nam đã trúng đến gần 400.000 tấn với giá cao.
Thực tế cho thấy, gạo tiếp tục là mặt hàng nổi bật trong nhóm nông sản xuất khẩu hai tháng đầu năm.
Số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho thấy, trong tháng 1.2024, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 27 thị trường, với khối lượng trên 512.000 tấn, trị giá 362 triệu USD. Sang tháng 2, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 508.000 tấn, kim ngạch 342 triệu USD. Tính chung hai tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu 1,02 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt 708 triệu USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam – cho rằng, sản lượng lúa gạo cả nước năm 2024 dự kiến, sẽ duy trì ở mức tương đương năm 2023 trong điều kiện thời tiết lạc quan. Tuy nhiên, khối lượng tồn kho gạo sang năm 2024 giảm mạnh, do đó cần cân đối chặt chẽ sản lượng lúa thu hoạch các vụ, với nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Sản lượng xuất khẩu gạo tăng, tuy nhiên, giá gạo hai tháng gần đây giảm mạnh so với cuối năm 2023.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam những ngày đầu tháng 3 niêm yết quanh ngưỡng 478-579 USD/tấn. Gạo tiêu chuẩn 5% tấm ở mức 579 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 557USD/tấn; gạo 100% tấm ổn định ở mức 478USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu giảm trong bối cảnh Đồng bằng Sông Cửu Long bước vào thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, dấy lên nỗi lo được mùa, mất giá.
Cần tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Hiện nay, liên kết sản xuất có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, từng bước khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn còn một số hạn chế.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nước ta có một hệ sinh thái vững chắc, giúp đảm bảo an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào.
“Chuỗi liên kết trong hệ sinh thái là rất quan trọng. Tuy nhiên, chuỗi liên kết của chúng ta trong các ngành hàng và lĩnh vực còn yếu và tỉ trọng chưa cao. Tiêu biểu chỉ có chuỗi cá tra với khoảng 85% người sản xuất tham gia. Nếu có chuỗi liên kết, rủi ro được chia sẻ, lợi ích hài hòa để phát triển bền vững. Việc chuyển từ chuỗi cung ứng sang chuỗi giá trị, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp phải hình thành các chuỗi. Bộ NNPTNT đã có đề án xây dựng các chuỗi, có 14 tỉnh dọc Bắc – Trung – Nam tham gia chuỗi này với diện tích trên 167.000ha” – ông Phùng Đức Tiến nói.
Bên cạnh đó Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, các mô hình sản xuất trong chuỗi cần tập trung vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì mới có thể mang lại sự cạnh tranh ngành hàng, lĩnh vực cao hơn, gắn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi và đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam.