Trong 2 năm qua, đã có gần 65.000 nhà bán hàng trên thương mại điện tử rút lui khỏi thị trường. Tương ứng số lượng nhà bán hàng hoạt động giảm đến 15%.
Chỉ trong vài tháng gần đây các tập đoàn thương mại điện tử lớn của nước ngoài – với chủ lực là hàng giá rẻ – đang có động thái mở rộng vào thị trường Việt Nam. Hàng hóa nước ngoài đến từ các nền sản xuất phát triển, mạng lưới giao vận ngày càng hoàn thiện, nay có thêm sự “hậu thuẫn” từ các mô hình kinh doanh cạnh tranh giá rẻ của những tập đoàn công nghệ lại càng có thêm lợi thế. Tất cả những yếu tố này đang gây sức ép cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Chúng ta thường dùng hình ảnh kiềng ba chân để nói về vị thế vững chắc của một sự việc… Và hình ảnh này cũng phù hợp để nói về cách thức để hàng hóa nước ngoài thông qua thương mại điện tử đang gia tăng sức ép cạnh tranh lại thị trường Việt Nam. “Bệ đỡ” cho hàng ngoại bao gồm 3 “chân” là: Sản xuất giá rẻ – Sàn thương mại điện tử và Giao vận xuyên biên giới.
Đầu tiên dễ thấy nhất đó là sàn thương mại điện tử: trong 4 sàn thương mại đa ngành lớn nhất tại Việt Nam hiện nay thì có hơn 95% thị phần giao dịch là thuộc về doanh nghiệp ngoại. Yếu tố này khi kết hợp với nền sản xuất với giá cả cạnh tranh từ các nước phát triển đã giúp doanh nghiệp ngoại có lợi thế điều phối cả cung lẫn cầu. Nghĩa là từ dữ liệu trên sàn biết được người tiêu dùng Việt thích sản phẩm gì, thì có thể bắt tay với doanh nghiệp sản xuất ở nước ngoài để cung ứng sản phẩm đó với giá cạnh tranh nhất.
Bán trực tiếp từ nhà sản xuất – “vũ khí” cạnh tranh của doanh nghiệp ngoại
2 năm trở lại đây, xuất hiện ngày càng nhiều tập đoàn thương mại điện tử nước ngoài đi theo mô hình làm việc trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất. Nghĩa là các tập đoàn công nghệ sẽ lưu kho và chịu trách nhiệm xử lý, phân phối toàn bộ hàng từ nhà sản xuất. Cắt giảm nhiều khâu phân phối trung gian để đưa ra mức bán lẻ rẻ nhất có thể.
Ông Jianggan Li – Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Momentum Works cho biết: “Một món hàng bán lẻ trên sàn ví dụ ở mức 5 USD, nhưng nhà sản xuất thì họ có thể bán với giá chỉ bằng 1/10 như thế. Nhờ vậy doanh nghiệp thương mại điện tử đi theo mô hình làm trực tiếp với nhà sản xuất có thể giảm rất nhiều giá bán lẻ”.
Xu hướng chuộng sản phẩm giá rẻ đang tạo lợi thế cho hàng ngoại. Trong quý 3 năm nay, chỉ tính riêng trên 1 sàn thương mại điện tử lớn, lượng hàng hóa có kho đặt tại nước ngoài bán vào thị trường trong nước tăng gần 14% so với cùng kỳ. Trong đó có gần 1 nửa là các mặt hàng giá rẻ, dưới 100.000đ/1 sản phẩm.
“Kho livestream” – hàng Việt trước thách thức sau những căn phòng vài m2
Yếu tố rất quan trọng là doanh nghiệp ngoại đã rút ngắn thời gian hàng từ nước ngoài về Việt Nam nhờ vào “cái chân” còn lại trong chiến lược kiềng 3 chân đó là giao vận xuyên biên giới. Chính sách hỗ trợ từ nước bạn đã giúp hình thành hàng trăm khu thí điểm thương mại điện tử cùng mạng lưới các tổng kho sát biên giới. Cộng với hệ thống logistics tại nước ta liên tục tăng trưởng hai con số mỗi năm đã giúp người tiêu dùng có thể nhận hàng giao từ nước ngoài có khi bằng với thời gian giao hàng đặt ở trong nước. Thậm chí thời gian gần đây, các doanh nghiệp ngoại bắt đầu đầu tư mô hình “kho livestream nội đô” tại một số đô thị lớn để giúp hàng ngoại có đường ngắn nhất đến tay người dùng Việt.
Tìm theo những lời quảng cáo, nhóm phóng viên trong vai công ty có nhu cầu hợp tác đã tiếp cận được doanh nghiệp đứng sau mô hình “kho livestream nội đô”. Với đa dạng các dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp từ đào tạo nhân sự, xây kênh bán hàng, cho đến cung cấp nguồn hàng. Việc bán hàng trực tuyến có lẽ chưa bao giờ dễ dàng hơn qua các phiên livestream đằng sau những căn phòng chỉ từ m2. Rất dễ bắt gặp các hàng hóa ngoại nhập.
Các đơn vị nghiên cứu dữ liệu thương mại điện tử cho biết: ước tính tỷ trọng hàng có địa chỉ giao từ nước ngoài hiện chiếm cao nhất khoảng 12% tổng sản lượng hàng trên thương mại điện tử ở Việt Nam. Tuy nhiên theo giới chuyên gia, như thế không có nghĩa là nguy cơ hàng Việt Nam mất thị phần cho hàng ngoại là nhỏ.
Đến bây giờ chị Thanh phải chấp nhận sự ế ẩm khi doanh số giảm hơn 50%. Xu hướng mua sắm thông qua các livestream, video giải trí lên ngôi. Phải vừa đổ tiền tỷ cho chi phí quảng cáo, vừa cạnh tranh giảm giá là bài toán khiến chị bất lực, có lẽ đến mức chỉ có thể giải tỏa bằng những giọt nước mắt.
“Nhà nhà đều livestream hết, thì để cạnh tranh người ta phải giảm giá rất sâu, thậm chí có thể giảm giá thấp hơn giá vốn. Hàng hóa từ Trung Quốc chuyển qua họ nhập số lượng rất lớn và sẽ có kho ở Việt Nam luôn. Họ sẽ thuê hẳn KOL của Việt Nam để bán. Và thực sự thì giá rất rẻ”, chị Diếp Thị Diễm Thanh – Phó Giám đốc Thương hiệu Thời trang SDVN StreetWear chia sẻ.
Trong 2 năm qua, đã có gần 65.000 nhà bán hàng trên thương mại điện tử rút lui khỏi thị trường. Tương ứng số lượng nhà bán hàng hoạt động giảm đến 15%.
Cần chính sách quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới, đảm bảo cạnh tranh công bằng
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng bán qua chuyển phát nhanh để đảm bảo cạnh tranh công bằng với hàng trong nước.
Cần phải khẳng định rõ rằng với một nền kinh tế hội nhập như Việt Nam, thì việc các doanh nghiệp nước ngoài xúc tiến đưa hàng hóa vào nước ta thông qua các mô hình thương mại điện tử mới là điều dễ hiểu. Tuy nhiên vấn đề quan trọng cần đặt ra ở đây, là làm thế nào để có thể bảo vệ ngành sản xuất, hàng hóa Việt Nam trước nguy cơ bị cạnh tranh không công bằng? Một số bất cập trong chính sách đã được cơ quan chức năng nhận diện:
Chính sách miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng bán qua chuyển phát nhanh. Giới chuyên gia cho rằng, những năm gần đây, việc hàng ngoại giá rẻ vào thị trường trong nước dễ dàng, trong khi lại được miễn thuế đang gây cạnh tranh bất bình đẳng. Bộ Tài chính cũng nhận định chính sách này không còn phù hợp với thực tiễn.
PGS. TS. Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: “Phải kiểm soát về mặt chất lượng, nếu như xảy ra những khiếu kiện, những các yếu tố về lừa đảo thì sàn thương mại đó phải chịu trách nhiệm xử lý, nếu không xử lý được thì chúng ta phải có những biện pháp để xử lý mạnh đối với những sàn này”.
Ông Phan Đức Hiếu – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ: “Có 2 vai trò, 1 là bản thân tự doanh nghiệp cũng phải thích ứng với các hình thức kinh doanh mới. Thứ hai là vai trò của Nhà nước và các hiệp hội thì phải hỗ trợ doanh nghiệp, có thể có những chính sách khuyến khích, để họ làm quen, có cơ sở kinh doanh trên thương mại điện tử”.
Trong công điện ngày 26/11, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Tài chính cùng nghiên cứu và xây dựng cơ chế kiểm soát chặt với những hàng hóa nhập khẩu qua thương mại điện tử, các giải pháp đưa ra phải phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Hiện Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng bán qua chuyển phát nhanh. Cộng đồng doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia kỳ vọng các giải pháp phù hợp sẽ được triển khai kịp thời, để hỗ trợ, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.