Ở năm thứ hai được triển khai và công bố, Quảng Ninh đã xuất sắc đứng đầu cả nước trong bảng xếp hạng Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Thành quả này không phải sự ngẫu nhiên, may mắn, mà đến từ nỗ lực bền bỉ không ngừng của tỉnh trên chặng đường chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường (BVMT), hướng tới nền kinh tế xanh bền vững trên quan điểm “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng nóng”.
Dấu ấn chỉ số xanh
Chỉ số PGI được thiết kế nhằm cung cấp thông tin đầu vào từ thực tiễn kinh doanh để hỗ trợ chính quyền các địa phương trong công tác quản trị môi trường, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường; đo lường chất lượng quản trị môi trường trên cơ sở các văn bản chính sách và quy định pháp luật về môi trường… Gồm 4 chỉ số thành phần được tạo thành từ 46 chỉ tiêu đo lường chất lượng quản trị môi trường, PGI đánh giá lần lượt các hoạt động truyền thống của công tác điều hành cấp tỉnh đến các hoạt động mới nhất và được kỳ vọng nhất trong vấn đề quản trị môi trường.
Toàn bộ điểm số PGI được thu thập từ thông tin phản hồi khách quan của hơn 10.600 doanh nghiệp (hơn 9.100 doanh nghiệp tư nhân trong nước, gần 1.600 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam). Kết quả của báo cáo khách quan xếp Quảng Ninh ở vị trí quán quân với 26/40 điểm. Các điểm thành phần lần lượt là: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (7,41 điểm); đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu (6,18 điểm); vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh (6,68 điểm); chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong BVMT (5,73 điểm). Đáng chú ý, cả 4 chỉ số thành phần đều tăng điểm so với năm 2022.
Kết quả đó có được trước hết là do quyết tâm chính trị cao trong suốt 1 thập niên qua, khi Quảng Ninh luôn kiên định và quyết tâm, quyết liệt chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; phát triển bền vững cả về kinh tế – xã hội, môi trường và an ninh; chuyển đổi xanh dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa, kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4… Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm; lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển; tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trên quan điểm không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Cách làm này của tỉnh đã nhanh chóng tác động đến nhận thức, ý thức trách nhiệm công tác BVMT của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư; góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững; đưa Quảng Ninh trở thành địa phương thành công trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đi đầu trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Đây cũng là thông điệp rõ ràng của tỉnh trong việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; cam kết đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế, góp phần giải quyết những thách thức lớn toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường hiện nay.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, đánh giá: Ở cả 4 thành tố của PGI, Quảng Ninh đều cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt và mạnh mẽ trong việc ứng xử với môi trường và cân bằng giữa phát triển kinh tế và BVMT. Điều này tạo nền tảng quan trọng để tỉnh tiến bước, hấp dẫn các nhà đầu tư. Bởi hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh tốt không chỉ là sự thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng về thủ tục, mà còn phải thân thiện với môi trường, theo định hướng bền vững, nhằm giải quyết những thách thức lớn toàn cầu về biến đổi khí hậu. Với những cách làm, giải pháp của tỉnh trong gắn kết phát triển kinh tế với BVMT, chuyển đổi mô hình tăng trưởng…, Quảng Ninh xứng đáng với vị trí dẫn đầu PGI.
Không chỉ dừng lại ở điểm số
Trong năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, công tác BVMT tiếp tục là nội dung được cấp ủy, chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện rõ trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với các chủ trương, định hướng về công tác BVMT có tính chất chuyên sâu theo giai đoạn. Trong tất cả các nội dung công việc, vấn đề BVMT luôn được tỉnh nhấn mạnh, nhằm góp phần vào nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân, thu hút đầu tư, du lịch, phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội của tỉnh.
Năm 2024 tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước, trong đó phấn đấu cải thiện điểm số từ 26 lên 30; giữ vững 2 chỉ số thành phần là Thúc đẩy thực hành xanh, Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong BVMT trong top 5; ưu tiên tập trung và cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của 2 chỉ số thành phần còn lại là Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu.
Để đạt được mục tiêu, tỉnh đặt ra một loạt các nhiệm vụ mang tính chiến lược, xuyên suốt giai đoạn, như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, BVMT theo phương án BVMT tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng, hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách và huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực ưu tiên cho công tác BVMT; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; chuyển giao, ứng dụng, phát triển KHCN; nâng cao chất lượng truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về quản lý, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Với mỗi nhiệm vụ, tỉnh đề ra các giải pháp cụ thể, rõ ràng và quy rõ trách nhiệm thực hiện cho từng sở, ngành, đơn vị chức năng để thực hiện. Tỉnh xác định, phấn đấu trong công tác BVMT không chỉ là cải thiện điểm số, giữ vững thứ hạng chỉ số PGI, mà phải là yếu tố đặc biệt quan trọng để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Cùng với đó là hiện thực hóa mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; chủ động và tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải, các-bon thấp; góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.