Ngành Nông nghiệp triển khai kế hoạch công tác 6 tháng đầu năm 2024 trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó có yếu tố tác động của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, sự xuất hiện của dịch bệnh. Song với sự nỗ lực chung của toàn ngành, tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 4,3% (cao hơn 0,17% điểm % so với mục tiêu kịch bản tăng trưởng).
Với sự chuẩn bị tốt các điều kiện để phục vụ trồng trọt và thường xuyên điều tra tình hình sinh vật gây hại, tính đến hết tháng 6, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt trên 33.000ha (đạt 54% kế hoạch), tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt gần 105.000 tấn (đạt 100% kế hoạch), tổng diện tích cây lâu năm đạt gần 8.000ha. Toàn tỉnh đã thực hiện được khoảng 7.700ha cây trồng vụ đông, việc tiêu thụ các sản phẩm cây trồng vụ đông trong những tháng đầu năm rất ổn định, phần lớn diện tích cây trồng vụ đông được mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, không có tình trạng ùn ứ hoặc dư thừa.
Bà Lưu Thị Dương, Phó Phòng Kinh tế (TX Đông Triều) chia sẻ: Thị xã có gần 1.500ha cây vụ đông với nhiều chủng loại đa dạng. Nhờ liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để bao tiêu, xuất khẩu nên bình quân 1ha canh tác cây vụ đông, nông dân Đông Triều cho thu nhập trên 120 triệu đồng/ha.
Đối với ngành chăn nuôi, trước nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng, Sở NN&PTNT đã cùng với các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, tăng cường giải pháp phòng, chống dịch nhằm ngăn chặn không để dịch lây lan trên diện rộng. Các xã, phường chủ động thống kê số hộ chăn nuôi, tổng số đàn lợn; cán bộ thú y ở địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các gia đình biện pháp chăn nuôi an toàn và ký cam kết thực hiện “quy định 5K” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn bệnh, lợn chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý). Quá trình vận chuyển, tiêu thụ lợn tại các khu giết mổ tập trung, tại các chợ cũng được kiểm soát chặt chẽ.
Đối với các vật nuôi khác, Sở cũng phối hợp với các địa phương tổ chức giám sát, xử lý kịp thời các ổ bệnh trên động vật; tăng cường tỷ lệ bao phủ tiêm phòng vắc-xin đối với gia súc, gia cầm, nhất là bệnh dại trên đàn chó. Hiện toàn tỉnh đã thực hiện tiêm phòng vắc-xin đạt 94% tổng đàn chó.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng đàn trâu toàn tỉnh đạt 24.000 con (đạt 101% so với cùng kỳ năm 2023); đàn lợn đạt gần 274.000 con (đạt 101% so với cùng kỳ năm 2023); đàn gia cầm đạt trên 5,4 triệu con (đạt 104% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt khoảng 48.000 tấn (bằng 103% so với cùng kỳ năm 2023). Do giá sản phẩm chăn nuôi có xu hướng tăng nên đã góp phần giảm bớt khó khăn, giúp người chăn nuôi có lãi.
2 lĩnh vực còn lại là lâm nghiệp và thuỷ sản cũng được đánh giá là chỉ tiêu có mức tăng ấn tượng, trong đó, lâm nghiệp tăng trưởng về diện tích trồng rừng tập trung, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng, duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%.
Trong phát triển thủy sản nhờ điều kiện tương đối thuận lợi đã giúp cho đội tàu vùng lộng, vùng khơi tăng cường bám biển, gia tăng các hoạt động đánh bắt xa bờ. Tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 38.820 tấn (đạt 103% so với cùng kỳ năm 2023). Diện tích nuôi trồng thủy sản nội địa đạt 32.000ha, diện tích nuôi biển đạt 10.200ha (bằng 100% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng số cơ sở nuôi đạt 11.228 cơ sở (tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt gần 50.000 tấn (bằng 106% so với cùng kỳ năm 2023). Trong 6 tháng đầu năm, công tác quy hoạch thủy sản có nhiều chuyển động tích cực, toàn tỉnh hiện đang đẩy mạnh triển khai Quy hoạch tỉnh và hoàn thiện các thủ tục để cấp phép, giao mặt nước biển cho các tổ chức, cá nhân. Trước mắt, tỉnh đã tổ chức trao giấy phép NTTS trên biển cho 6 doanh nghiệp, hợp tác xã. Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh tổ chức phát triển sản xuất NTTS, hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Ngành tiếp tục rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, trong đó ưu tiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong chăn nuôi, tiến hành quy hoạch lại và hỗ trợ các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi phát triển sản phẩm địa phương, nhất là với những đối tượng góp phần tăng trưởng lớn (bò, lợn). Để đảm bảo cho lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt, những tháng cuối năm, ngành tăng cường khai thác diện tích trồng rừng sản xuất tập trung đã thành thục công nghệ để đạt được sản lượng cao và tập trung theo dõi diễn biến rừng; giải quyết các tồn tại trong khai thác thủy sản bất hợp pháp và hoàn thành việc giao khu vực biển theo quy hoạch.