Tàu đường sắt tốc độ cao có tốc độ thiết kế lên tới 350km/h. Điểm đầu tại ga Ngọc Hồi, Hà Nội, điểm cuối tại ga Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh. Dự kiến khởi công vào năm 2027.
Năm 2024 vừa qua có thể nói chúng ta đã chứng kiến nhiều dấu ấn trong phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia.
Năm vừa khi nói đến những dấu ấn về các dự án giao thông trọng điểm thì không thể không kể đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Một đại dự án lớn chưa từng có từ trước đến nay, với tổng mức đầu tư 67 tỷ USD, tương đương khoảng 1,7 triệu tỷ đồng theo tỷ giá hiện hành, đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, sau gần 18 năm nghiên cứu và xây dựng phương án.
Với quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện nay được đánh giá có đủ điều kiện để triển khai thực hiện. Theo phương án bố trí vốn, mỗi năm dự án sẽ cần khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 16% vốn đầu tư công trung hạn hàng năm giai đoạn 2026-2030. Dự kiến khởi công vào năm 2027 và cơ bản hoàn thành vào năm 2035.
“Đấy là niềm mong ước của rất nhiều người, không những của tôi mà còn các thế hệ con cháu tôi sau nữa”, ông Nguyễn Quốc Việt, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.
“Việt Nam của các bạn là đất nước chạy dài từ Bắc vào Nam nên đi tàu tốc độ cao thì sẽ mang lại những trải nghiệm thật tuyệt vời”, anh Matthias Baunach, du khách Đức chia sẻ.
Tàu đường sắt tốc độ cao có tốc độ thiết kế lên tới 350km/h. Điểm đầu tại ga Ngọc Hồi, Hà Nội, đi qua 20 tỉnh thành và kết thúc tại ga Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh, hứa hẹn tạo sức bật mạnh mẽ cho vận tải và du lịch quốc gia.
“Chúng tôi đã mường tượng được ra buổi sáng có mặt ở Hà Nội ăn sáng uống cà phê, nhưng buổi trưa đã vào Đà Nẵng ăn hải sản, chiều đã đắm mình trong biển Mỹ Khê”, ông Nguyễn Cảnh Tiến – Phó Giám đốc Công ty du lịch Violette Trains Việt Nam cho hay.
Tính toán sơ bộ, riêng phương tiện, thiết bị phục vụ đường sắt tốc độ cao lên tới 34,1 tỷ USD. Một thị trường tiềm năng và khổng lồ cho công nghiệp đường sắt Việt Nam.
Ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết: “Chúng ta cũng phải nghiên cứu dần, chuyển giao dần, tiếp quản dần công nghệ. Cái điều chính yếu nữa là chúng ta sẽ phải chủ động đề xuất những chính sách ưu đãi để chúng ta hình thành và phát triển được một cơ khí công nghiệp, nền cơ khí công nghiệp của đường sắt”.
“Với đào tạo tốt, chính sách tốt thì đường sắt Việt Nam sẽ tiến tới làm chủ công nghệ”, ông Ngô Cao Vân – Nguyễn Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho hay.
Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, ngành đường sắt như khoác lên mình một tấm áo mới phù hợp với sự lớn lên sau hơn 100 năm. Dự án sẽ giúp tăng thêm gần 1 điểm phần trăm GDP bình quân mỗi năm của nước ta so với không đầu tư dự án. Đầu tư đường sắt tốc độ cao là đầu tư cho tương lai.
Đường sắt đô thị vẽ bức tranh giao thông công cộng xanh
Người dân ở hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hào hứng, đưa nhau đi trải nghiệm những tuyến đường sắt đô thị đầu tiên sau nhiều năm lỡ hẹn. Tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên và đoạn trên cao tuyến Nhổn – Ga Hà Nội.
Đường sắt đô thị đang dần vẽ nên bức tranh giao thông công cộng tại các đô thị lớn, được người dân ưu tiên lựa chọn, bởi sự nhanh chóng, tiện lợi, văn minh, chi phí hợp lý và đặc biệt là thân thiện với môi trường.
Chỉ sau 10 ngày đưa vào hoạt động, tuyến đường sắt metro số 1 TP Hồ Chí Minh đã đón hơn 530.000 lượt khách đi tàu, vượt xa kế hoạch gần 240%.
“Nó rất đặc biệt cảm nhận được sự chuyển mình sự phát triển mới sự chuyển mình hệ thống giao thông cũng như đời sống của người dân Thành phố”, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
“Bây giờ đã hoàn thành thì cô cũng rất là mừng cho toàn nước toàn dân, ai cũng thuận tiện đi lại”, bà Trần Thanh Hoa – TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Còn tàu đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội đã chính thức chở khách ở đoạn trên cao được hơn 4 tháng. Trong những tháng cuối năm, đoạn ngầm cũng đã được đưa 2 robot vào khoan hầm, đến nay đã đạt hơn 40% tiến độ.
Đường sắt đô thị đang mở ra không gian phát triển mới. Đặc biệt là mô hình TOD, là đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng như xu hướng của thế giới. Mang lại cơ hội tạo nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất xung quanh các tuyến metro, để quay trở lại tiếp tục đầu tư cho các tuyến mới.
Đường bộ cao tốc Bắc – Nam “chạy đua” về đích
Ngoài đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị thì năm vừa qua, đường sắt liên vận quốc tế cũng là cụm từ được thường xuyên nhắc đến. Đây sẽ là các tuyến đường sắt làm nhiệm vụ vận tải hàng hóa xuyên châu lục. Chúng ta đã bắt tay vào nghiên cứu 3 tuyến mới gồm: Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Hạ Long – Móng Cái (Quảng Ninh) và Hà Nội – Đồng Đăng (Lạng Sơn). Theo tính toán, nếu được đầu tư, các tuyến đường sắt mới này có thể vận chuyển lượng hàng hóa xuất nhập khẩu gấp 10 đến 15 lần so với hiện nay.
Với đường bộ cao tốc Bắc – Nam, chúng ta đã được chứng kiến nhiều quyết tâm, nỗ lực để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng, nhất là ở khu vực phía Nam. Đến nay tiến độ các dự án thành phần hầu hết đều được đảm bảo, dự kiến một số đoạn sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng.
Tranh thủ những ngày nắng ráo, huy động nhân lực, phương tiện nhiều mũi thi công là không khí được nhìn thấy ở hầu hết các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam những tháng cuối năm 2024.
Ông Trần Đình Ngân – Chỉ huy trưởng Tổng công ty xây dựng 319, Bộ Quốc Phòng cho biết: “Chúng tôi vẫn duy trì 100% quân số. Những ngày thời tiết thuận lợi chúng tôi thi công đồng loạt tất cả các hạng mục, tổ chức thi công linh hoạt đối với các hạng mục còn lại nhỏ, công trình liên tuyến, đường gom, đường ngang”.
3 dự án thành phần Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng thuộc địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tổng chiều dài hơn 102km dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ 6 tháng.
Ông Hoàng Chiến Thắng – Giám đốc Ban điều hành dự án thành phần Bãi Vọt – Hàm Nghi, Ban quản lý dự án Thăng Long cho hay: “Tranh thủ làm buổi sáng từ 4h30 đã triển khai thi công, kết thúc vào 21h. Với thời tiết như này và tiến độ như hiện nay thì cơ bản sẽ đáp ứng được tiến độ hoàn thành vào năm 2025”.
Tại các tỉnh thành phía Nam, giải pháp quan trọng để đảm bảo tiến độ cao tốc Bắc – Nam là san sẻ nguồn cát san lấp. Các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang đã hoàn tất phê duyệt trữ lượng, khai thác nhiều hơn các mỏ cát để phục vụ dự án.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết: “Đối với các dự án đã giao mặt bằng sạch, thì sẽ làm việc với đơn vị thi công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thứ hai là đối với các dự án còn vướng mặt bằng thì tập trung giải quyết dứt điểm”.
Dự kiến đến 30/4 tới, dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam sẽ được hoàn thành đến tỉnh Quảng Trị. Các đoạn còn lại nối dài đến Cà Mau sẽ hoàn thành chậm nhất vào cuối năm nay.
Nếu nhìn thêm ra thì không chỉ có đường sắt, đường bộ, mà lĩnh vực hàng không trong năm 2024 cũng có nhiều công trình lớn như sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đều được gấp rút thi công để đảm bảo tiến độ. Hay hệ thống hạ tầng cảng biển và các dự án đường thủy trên khắp cả nước cũng đã giúp Việt Nam đón những con tàu lớn nhất trên thế giới cập cảng, làm nên nhiều kỷ lục về xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong năm 2024.