Sầu riêng thu không kịp bán, xuất khẩu sang Trung Quốc vượt qua Thái Lan; cà phê chạm mốc giá lịch sử sau 30 năm lặp lại; chuối Việt Nam chiếm chỗ chuối Philippines ở siêu thị bán lẻ Hong Kong; gạo và thủy sản cũng tăng tốc, bứt phá…
Đó là bức tranh rất ấn tượng của nông sản Việt trong quý 1-2024. Chứng tỏ nông sản Việt Nam ngày càng được ưa chuộng, có giá và vai trò của nông nghiệp vẫn rất quan trọng.
Do đâu nông sản Việt năm nay lại nóng và được thị trường quốc tế săn lùng? Ở đây không phủ nhận lý do chủ quan từ sự “tự thân vận động”, nhưng cũng phải thừa nhận nguyên do phần lớn từ yếu tố khách quan của thị trường.
Chẳng hạn, khi Trung Quốc “sốt” sầu riêng, đúng lúc này trái cây “vua” vào thị trường hơn 1,4 tỉ dân tạo ra đà xuất khẩu lớn; do ảnh hưởng El Nino nên các nước sản xuất cà phê lớn như Brazil, Indonesia, Ấn Độ bị mất mùa, rồi căng thẳng Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng, tạo sức ép làm giá cà phê đã tăng lại càng tăng.
Hay nhu cầu về chuối ở Trung Quốc ngày càng tăng khi diện tích trồng bị thu hẹp, thúc đẩy chuối tươi Việt Nam tăng giá và “lọt mắt xanh” ở nhiều thị trường khác; hoặc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, gạo Thái Lan sản lượng giảm… thị trường gạo cho 3 tỉ người trên thế giới “chao đảo” đã tạo cơ hội cho gạo Việt…
Trong bối cảnh khốc liệt nhưng vẫn thấy được cơ hội, nông sản Việt cần “thừa thắng xông lên”, cần làm tốt việc xây dựng thương hiệu cho nông sản, gia tăng giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đặc biệt, xây dựng thương hiệu nông sản xuất khẩu cần có chiến lược, có giải pháp căn cơ; làm sao để giá trị nông sản Việt luôn “thường trực” trong sự lựa chọn của người tiêu dùng quốc tế, chứ không phải “sốt hừng hực” hay thiếu nguồn cung mới tìm đến nông sản Việt Nam.
Cần ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; cần có những giải pháp hướng dẫn và hỗ trợ hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ các mặt hàng nông sản xuất khẩu; triển khai các chương trình quảng bá – marketing thương hiệu và sản phẩm của riêng mình; xây dựng thương hiệu sản phẩm đi liền với thương hiệu doanh nghiệp…
Bên cạnh tận dụng cơ hội để tăng tốc xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, mặt khác cũng cần đặt ra chuyện làm sao chăm lo cho nông dân giàu lên, sống khỏe hơn nhờ nông nghiệp.
Hạn hán, hạn mặn xâm nhập đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân nông thôn cả nước, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Những gói hỗ trợ như hỗ trợ 2 triệu đồng/ha lúa bị thiệt hại nặng hay gói hỗ trợ có tổng ngân sách 1,7 triệu USD vốn ODA viện trợ không hoàn lại là rất cần thiết… Và còn cần nhiều hơn nữa những gói hỗ trợ tương tự!
Khi nông dân thoát nghèo từ làm nông nghiệp, khi sản phẩm có thương hiệu rõ ràng, khi đó nông sản Việt Nam mới thực sự cất cánh.