Chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh hiện có 39.848 cơ sở (chiếm tỷ lệ trên 96%) nhưng chỉ có 1.244 cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại. Chăn nuôi nhỏ lẻ phải đối diện với nhiều khó khăn trong ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, ATTP, đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường, nhất là trong các khu vực đô thị. Kỳ họp thứ 19 HĐND khóa XIV sẽ bàn thảo về quy định không được phép chăn nuôi trong nội thành, nội thị.
Tính từ ngày 14/5/2024 đến nay có 395 hộ chăn nuôi tại 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh ghi nhận dịch tả lợn châu Phi với 2.744 con chết, tiêu hủy (trên 127 tấn). Điều đáng nói, dịch bệnh hầu như chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, xen kẹp trong các khu dân cư, nhất là các khu vực nội thành. Chị Nguyễn Thị Thịnh, cán bộ thú y phường Minh Thành (TX Quảng Yên), cho biết: Khó khăn lớn nhất trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn liên quan đến quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ, không đảm bảo an toàn sinh học, quy trình chăn nuôi khép kín, xử lý chất thải, nước thải không triệt để dẫn đến dịch có nguy cơ lây lan cao, dễ bùng phát trở lại nếu các hộ tự ý tái đàn không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Thực tế từ đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019 tới nay trên địa bàn tỉnh đã giảm gần 5.000 hộ chăn nuôi do người chăn nuôi lo ngại về thiệt hại quá lớn, trong khi chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ rất khó để thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học – giải pháp hiệu quả nhất trong ngăn chặn và phòng chống dịch tả lợn châu Phi cũng như các dịch bệnh khác trong chăn nuôi.
Không chỉ khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh, chăn nuôi nhỏ lẻ cũng kéo theo các vấn đề về vệ sinh môi trường khi khó có thể đảm bảo xử lý chất thải, nước thải trong quá trình chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường dân cư. Dù việc chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường chăn nuôi đã dần đi vào nền nếp, tuy nhiên tỷ lệ cơ sở áp dụng các biện pháp xử lý môi trường như: Hầm biogas, đệm lót sinh học, men vi sinh… còn rất thấp. Toàn tỉnh hiện mới có 18.495 công trình biogas và đệm lót sinh học (48%). Đa số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa có công trình xử lý chất thải đảm bảo, điều kiện vệ sinh chuồng trại rất kém, phân, rác không được xử lý hoặc quá tải với công trình, ảnh hưởng đến môi trường sống cộng đồng dân cư.
Xã Nguyễn Huệ (TX Đông Triều) từng phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do chăn nuôi trong khu dân cư. Song đến nay, vấn đề trên đã được giải quyết hiệu quả nhờ hình thành khu chăn nuôi tập trung 5,1ha, tất cả các hộ chăn nuôi lớn đã được vận động di dời ra khỏi khu vực dân cư. Cùng với đó, việc xử lý chất thải chăn nuôi được chú trọng với các bể lắng chất thải, thiết bị ép phân để tái sử dụng cho các hoạt động nông nghiệp khác.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huệ, cho biết: Khu chăn nuôi tập trung của xã hiện có 39 hộ quy mô chăn nuôi lớn. Các thôn trung tâm của xã hiện chỉ còn 1% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Tại khu chăn nuôi tập trung, bà con thành lập hợp tác xã, đảm bảo việc chăn nuôi theo các quy trình được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm soát và phòng chống dịch bệnh tốt hơn. Vấn đề môi trường trước kia ô nhiễm nghiêm trọng đã được giải quyết triệt để.
Bà Nguyễn Thị Khoảng (xã Nguyễn Huệ) khẳng định: Trước chăn nuôi trong khu dân cư đông dân rất ô nhiễm môi trường. Nhờ sự quan tâm của tỉnh, chúng tôi đã vào khu chăn nuôi tập trung để chăn nuôi. Không khí trong thôn, xóm giờ rất trong lành. Các thành viên hợp tác xã đảm bảo quy trình chăn nuôi an toàn, phòng chống tốt dịch bệnh.
Việc chuyển hướng từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi tập trung là hướng đi nhằm phát triển bền vững ngành chăn nuôi. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các địa phương còn dư địa thực hiện rà soát, bố trí quỹ đất, tích hợp vào quy hoạch chung của địa phương giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2050 và kế hoạch sử dụng đất của địa phương để ưu tiên khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất chăn nuôi tập trung. Trên cơ sở chính sách khuyến khích hiện hành của Nhà nước, của tỉnh, các tổ chức, cá nhân sẽ đầu tư xây mới chuồng trại tại các vùng đủ điều kiện chăn nuôi, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, tăng quy mô, đảm bảo cho ngành chăn nuôi của tỉnh không bị sụt giảm tiêu cực mà còn có thể nâng quy mô tổng đàn và sản lượng.
Như vậy, khi quy định khu vực thuộc nội thành, nội thị không được phép chăn nuôi được ban hành sẽ có 776 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng, nhưng 100% các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung tự cấp cơ bản đồng thuận với chủ trương dừng chăn nuôi.
Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi (Sở NN&PTNT), cho biết: Để triển khai việc dừng chăn nuôi trong khu vực nội thành, đơn vị đã tuyên truyền, vận động các hộ nuôi nắm và hiểu được ý nghĩa của chủ trương này, từ đó tự giác chấp hành các quy định của Luật Chăn nuôi. Đối với những hộ vẫn tiếp tục có nhu cầu chăn nuôi, Chi cục tham mưu tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát các địa điểm đủ điều kiện để quy hoạch các khu vực chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện cho các hộ tiếp tục phát triển chăn nuôi, đảm bảo sinh kế cũng như sản lượng chăn nuôi của ngành không bị sụt giảm.
Việc dừng chăn nuôi tại các khu vực không được phép chăn nuôi sẽ góp phần giúp thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ, tận dụng sang chăn nuôi tập trung công nghiệp, áp dụng các quy trình chăn nuôi như VietGAP, HACCP, ISO… góp phần nâng cao giá trị hàng hóa sản phẩm chăn nuôi, đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị trên địa bàn tỉnh.