Bài học “Dân là gốc, dân là trung tâm” đã được tỉnh vận dụng, cụ thể hóa trong các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Trong đó nổi bật là phát huy vai trò trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cụ thể hoá quyền làm chủ của nhân dân
Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tạo điều kiện cho nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 624-QĐ/TU ngày 25/5/2017 “Phê duyệt Đề án tăng cường vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công”; Quy định số 1717-QĐ/TU ngày 23/7/2019 “Về việc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”; Quyết định số 1901-QĐ/TU ngày 6/12/2019 “Ban hành Quy định trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc tiếp thu góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh”.
Đồng thời, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm túc Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư “Ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Quy định số 213-QĐ/TW ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị “Về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú”.
Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết: Từ những nghị quyết của Trung ương, BTV Tỉnh ủy đã ban hành một loạt các nghị quyết, văn bản chỉ đạo, qua đó đã tạo ra cơ chế để nhân dân được trực tiếp tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền một cách công khai, minh bạch dựa trên các quy định của pháp luật. Từ đó người dân đã phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần cùng tỉnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố và nhân lên niềm tin của nhân dân, cử tri đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân được biết, được bàn và tham gia đóng góp ý kiến, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch thông tin các chủ trương, chính sách của tỉnh, việc quản lý, điều hành của Nhà nước bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời theo trình tự, thủ tục do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quy định và phù hợp với quy định của pháp luật. Đặc biệt là việc niêm yết công khai các quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất, phương án điều chỉnh quy hoạch khu dân cư, phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất triển khai các dự án, công trình.
Thời gian qua nhiều dự án lớn của tỉnh trong quá trình triển khai đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, tuyến đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều…
Ông Lê Minh Điền, đảng viên xã Thống Nhất (TP Hạ Long), cho biết: “Thời gian qua người dân chúng tôi đã được phát huy vai trò làm chủ, được giám sát mọi hoạt động của chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước; được nắm bắt thông tin về mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là đối với những nội dung liên quan trực tiếp đến người dân, như các quy hoạch, GPMB, hỗ trợ tái định cư, vay vốn phát triển sản xuất”.
Để nhân dân tích cực tham gia phát triển KT-XH, giảm nghèo gắn với các phong trào xây dựng NTM, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh, chính quyền các cấp đã thông báo công khai các nội dung về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tỉnh có liên quan để người dân được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời. Từ đó đã giúp cho nhân dân được tham gia bàn bạc, thảo luận, quyết định mức huy động các nguồn đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi xã hội. Với phương châm “Người dân là chủ thể, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, định hướng”, đến nay 100% địa phương cấp xã, cấp huyện và tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu hiện đại, văn minh.
Nhân lên niềm tin và trách nhiệm
Với quyền lợi, nghĩa vụ của mình, người dân trên địa bàn tỉnh đã thẳng thắn, trách nhiệm đóng góp tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng hệ thống chính quyền các cấp đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh theo hướng hiện đại, văn minh dựa trên 3 trụ cột chính đã được tỉnh xác định “Thiên nhiên, văn hóa, con người”.
Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tiếp nhận 84.699 ý kiến góp ý của nhân dân thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội bằng văn bản khi thực hiện kiểm điểm hằng năm và kết thúc nhiệm kỳ, tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp và lấy ý kiến nhận xét của nhân dân. Các ý kiến tham gia, góp ý cơ bản có chất lượng, được cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; là cơ sở để các cơ quan chức năng ban hành các chính sách đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình ở cơ sở, giải quyết tốt những vấn đề xã hội bức xúc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Trong 10 năm trở lại đây, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã phát huy vai trò đoàn kết của hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện trên 6.600 cuộc góp ý định kỳ, trên 7.400 cuộc góp ý thường xuyên, gần 2.300 cuộc góp ý đột xuất đối với tổ chức đảng. Nội dung tham gia góp ý tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ và chủ đề công tác hằng năm của tỉnh và các địa phương; nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; xây dựng, triển khai Đề án 25; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; việc kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với người dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Trong quá trình chuẩn bị đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025, thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội từ tỉnh đến cơ sở, đã có 185.156 lượt cán bộ, nhân dân tham gia đóng góp vào các dự thảo văn kiện của đại hội. Qua đó đã phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng mang tính quyết định đối với cả giai đoạn; đồng thời góp phần giúp cấp ủy các cấp tiếp tục nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cán bộ, đảng viên để xây dựng đường lối, chủ trương, định hướng phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đối với đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu, nhân dân đã tích cực giám sát đối với quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao “nói đi đôi với làm”; quá trình rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức chính trị, lối sống. Từ đó thẳng thắn trao đổi, đóng góp ý kiến trực tiếp hoặc gián tiếp đối với từng cá nhân thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội.
Ông Lê Quốc Hùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 3 (phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả), cho biết: Ở khu phố 3 tất cả các đảng viên đang sinh sống tại địa bàn đều chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, nhất là đối với những cán bộ, đảng viên giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nội dung giám sát chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, lối sống và tinh thần, trách nhiệm với nhân dân. Nếu cá nhân đồng chí nào không thực hiện tốt, nhân dân sẽ phản ánh đến cấp ủy có thẩm quyền thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội phường và bản nhận xét đảng viên 213 cuối năm một cách thẳng thắn, công khai.
Đối với việc tham gia xây dựng chính quyền, thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp, người dân và cử tri được trực tiếp tham gia vào quá trình hiệp thương, lấy ý kiến đối với người tham gia ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Trong 2 nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 đã có trên 99% số cử tri trực tiếp cầm lá phiếu của mình, lựa chọn người xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp.
Hằng năm trong quá trình điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của chính quyền địa phương, nhân dân đã trực tiếp tham gia trên 5.100 cuộc góp ý định kỳ, trên 4.600 cuộc góp ý thường xuyên, trên 1.500 cuộc góp ý đột xuất đối với cơ quan, tổ chức. Các ý kiến tập trung vào các vấn đề quan trọng như: Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; điều hành ngân sách, đầu tư công, quản lý nhà nước về tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực đông dân cư; đầu tư nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất cho văn hóa, y tế, giáo dục…
Cùng với đó, nhân dân thực hiện công tác giám sát chặt chẽ đối với chính quyền trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhân dân giảm nghèo, gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19; giám sát CBCC trong thực thi công vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.
Từ những nội dung, vấn đề được nhân dân trực tiếp tham gia đóng góp đã góp phần nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm thực thi công vụ của CBCCVC; phòng chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, qua đó tạo động lực để Quảng Ninh xây dựng, củng cố tổ chức đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, duy trì và giữ vững GRDP 9 năm liên tiếp trên 2 con số (2015-2023), nhân lên niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.