Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động từ ngày 31/7/2009 và ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc khi dùng hàng Việt. Với những cách làm hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt cuộc vận động, góp phần đưa hàng Việt đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Trong 15 năm qua, thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; trên 90% doanh nghiệp biết đến phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào này.
Tại Quảng Ninh, triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo, tổ chức triển khai nghiêm túc, bài bản và đạt được những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt Nam trên địa bàn. Trong đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc vận động gắn với Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt, tỉnh đã triển khai phong trào “Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Qua đó, giúp người tiêu dùng nhận thức và hiểu đúng về chất lượng của sản phẩm hàng hóa dịch vụ sản xuất trong tỉnh, tin tưởng và lựa chọn ưu tiên sử dụng hàng hóa được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Song song với đó, tỉnh cũng tập trung tuyên truyền, phổ biến các chính sách đồng thời bố trí nguồn lực hỗ trợ triển khai phát triển sản phẩm OCOP tại các địa phương… Đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hạn chế tình trạng lưu thông hàng hóa kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng,
Tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng cuộc vận động với nhiều hình thức. Cụ thể: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đưa nội dung Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; các đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, “Tuần hàng Việt Nam”; Hội Nông dân và Hội Cựu Chiến binh tỉnh với phong trào “Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; Hội Phụ nữ tỉnh thông qua thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” thường xuyên tổ chức các chương trình truyền thông, giới thiệu sản phẩm đến hội viên; Tỉnh Đoàn và Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về triển khai “Chương trình Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”, BĐBP tỉnh xây dựng chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam”… Các chương trình nhằm giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm các mặt hàng nông nghiệp, sản phẩm OCOP của địa phương và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được sản xuất trong nước; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại… thu hút được một số lượng lớn đoàn viên, hội viên đăng ký cam kết tham gia thực hiện cuộc vận động.
Cuộc vận động đã góp phần không nhỏ trong việc khích lệ, động viên doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đổi mới công nghệ và cách thức quản lý để sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân trong nước và hướng tới xuất khẩu. Giúp người tiêu dùng nhận thức và hiểu đúng về chất lượng của sản phẩm hàng hóa dịch vụ sản xuất trong nước, tin tưởng và lựa chọn ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam, góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, với việc triển khai hiệu quả cuộc vận động, Quảng Ninh đã tạo những tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và bước đầu hình thành nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam.