Khai thác, phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch là việc làm nhiều lợi ích. Đó không chỉ là để di sản lan toả trong đời sống hôm nay, nâng cao sinh kế cộng đồng và phát triển kinh tế – xã hội địa phương mà còn từ nguồn kinh phí thu được quay trở lại đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản. Chủ trương này được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hiện thực hoá, cụ thể hoá vào điều kiện thực tiễn của tỉnh xuất phát từ nghị quyết của trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó, gần đây nhất là việc ban hành và thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 9/3/2018 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; nối tiếp đó là Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Cách đây hơn chục năm, có dịp về tham quan, vãng cảnh tại các di tích trên địa bàn tỉnh, ai nấy đều không khỏi xót xa về tình trạng xuống cấp, thậm chí hoang phế của nhiều di tích lớn, nhỏ trải dài từ Móng Cái cho tới Vân Đồn, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều… Khi ấy, đón lượng khách lớn nhất có lẽ là quần thể di tích đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), một phần cũng vì đặc thù đi lễ định kỳ của người dân trên địa bàn và các vùng biển lân cận. Dù đón lượng khách đông nhưng quần thể di tích nơi đây vẫn còn nhỏ hẹp, nhiều điểm di tích chỉ còn là dấu vết như đền Trung chẳng hạn, đường sá dẫn vào đền quanh co, nhỏ hẹp là nỗi ám ảnh cho người dân, du khách mỗi dịp cao điểm lễ hội và mùa hội xuân đầu năm.
Không chỉ Cửa Ông mà sớm nổi tiếng trong cả nước là quần thể di sản Yên Tử khi ấy cũng còn khá đơn sơ. Nhiều am tháp trên dọc tuyến hành hương bị sụp đổ chỉ còn chân tháp; các lối hành hương bộ còn nhỏ hẹp, quanh co, nhiều đoạn thắt “cổ chai” gây tắc nghẽn, nguy hiểm cho du khách. Xót xa nhất có lẽ vẫn là khu di tích nhà Trần tại Đông Triều. Mặc dù được đặc cách công nhận là khu di tích quốc gia từ đợt đầu tiên năm 1962 nhưng do thời gian, chiến tranh tàn phá và cả những vấn đề lịch sử để lại, đa phần các di tích nơi đây đã trở thành phế tích, gần như bị lãng quên trong bời bời lau lách, cỏ dại trên đồi núi cao, vườn cây trái của người dân…
Quần thể di tích lớn là vậy, các di tích đơn lẻ đa số cũng ở trong tình trạng xuống cấp, thiếu vốn để đầu tư tu bổ, tôn tạo, hằng năm chỉ trông vào nguồn kinh phí ít ỏi từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá của trung ương rót về. Với thực trạng ấy, các di tích chủ yếu là phục vụ nhu cầu tham quan, đi lễ vào mùa hội xuân hằng năm theo truyền thống văn hoá của người Việt. Các tháng còn lại trong năm, di tích rơi vào sự tĩnh lặng, thưa vắng bước chân người…
Hồi sinh, lan toả giá trị di sản
Các di sản là sản phẩm do tiền nhân để lại, nhiều di tích còn ghi dấu quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Việc hồi sinh các di tích là đáp ứng nguyện vọng tri ân công đức người xưa, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân và xa hơn là trở thành điểm du lịch thu hút du khách gần xa. Qua đó, góp phần gia tăng nguồn lực đầu tư trở lại cho di tích, lan toả giá trị, sức sống của di sản trong đời sống hôm nay. Từ nhận thức ấy, chủ trương xã hội hoá đầu tư di tích đã dần được các đơn vị, địa phương hiện thực hoá, mở rộng cánh cửa, tạo bước đột phá trong huy động các nguồn lực lớn, giàu tiềm năng cho tu bổ, tôn tạo và phát huy, khai thác giá trị di sản cho phát triển du lịch, hình thành loại hình du lịch văn hoá tâm linh đặc sắc của Quảng Ninh.
Còn nhớ, khi Đông Triều mở con đường từ hồ Trại Lốc dẫn vào khu di tích am – chùa Ngoạ Vân đã huy động được sự tham gia của cả chục doanh nghiệp, từ ngày công, phương tiện máy móc, nhân lực thần tốc san gạt tạo mặt bằng, đổ bê tông. Từ đó, con đường rộng rãi đã thay thế cho tuyến đường đất nhỏ, qua nhiều suối khe trước đây, dẫn lối cho du khách hành hương về miền thánh địa Ngoạ Vân – nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hoá phật từ hơn 700 năm trước.
Không chỉ một con đường, phải nói rằng rất nhiều các công trình tu bổ, phục hồi di sản nhà Trần tại Đông Triều và các công trình phụ trợ đều có sự chung tay đóng góp của doanh nghiệp, Giáo hội Phật giáo, cán bộ, người dân, du khách thập phương, như: Tháp cổ tại khu vực Thông đàn, am – chùa Ngoạ Vân, chùa Quỳnh Lâm, chùa Trung Tiết, Thái Miếu, lăng tẩm các vị vua Trần… Các di sản nhà Trần ở Đông Triều giờ đây đã mang một dáng vẻ khang trang, bền vững khác hẳn trước đây, trở thành nơi thu hút du khách, người dân bốn phương, trở thành niềm tự hào của mỗi người con quê hương Đệ tứ Chiến khu anh hùng.
Diện mạo khang trang, sạch đẹp, “thay da đổi thịt” ấy cũng có thể nhìn thấy ở rất nhiều di tích lớn, nhỏ khác của Quảng Ninh, từ những “cột mốc văn hoá” nơi địa đầu Móng Cái, các ngôi đình vùng cao, biên giới như Bình Liêu, Ba Chẽ cho tới các địa phương khu vực miền Tây như Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên, Hạ Long phong phú về hệ thống di tích, có tuổi đời lên tới hàng nghìn năm. Các di tích giờ đây đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân, du khách, không chỉ là nơi dâng lễ mà còn là nơi nghỉ ngơi, thư giãn, tĩnh tại chiêm nghiệm, tìm lại chính mình trước khi trở lại với cuộc sống bộn bề thường ngày. Góp vào thành quả ấy là sự đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp mà tiêu biểu hơn cả phải nhắc đến Công ty CP Phát triển Tùng Lâm với những đầu tư quy mô lớn tại chân non thiêng Yên Tử. Các công trình nơi đây được doanh nghiệp kỳ công thuê tư vấn, thiết kế, xây dựng mô phỏng theo kiến trúc của khu tháp tổ Huệ Quang với “hồn Việt, nét Trần” cũng như các sản phẩm dịch vụ đều mang tinh thần thiền Trúc Lâm, là hồn cốt của Yên Tử, nhằm mang tới cho du khách sự cân bằng cả về thân – tâm – trí…
Hướng tới những mục tiêu mới
Với nền tảng đã xây dựng được từ quá trình triển khai trước đây, giai đoạn tới đây, Quảng Ninh đã và đang đặt ra những mục tiêu mới trong lĩnh vực di sản và từng bước hiện thực hoá khi tiếp tục thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Theo đó, với quan điểm phát triển xanh, bền vững dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên, con người và văn hóa, tiềm năng phát triển của các di sản sẽ tiếp tục được phát huy, khai thác. Quảng Ninh xác định sẽ tiếp tục phát huy mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người, đưa vào khai thác ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn hệ thống di sản tại các địa phương. Thời gian qua, cùng với việc lập hồ sơ nâng cấp các di tích, công nhận các bảo vật quốc gia, cho tới nay, Quảng Ninh đã có những con số đáng kể với 13 Bảo vật quốc gia, 8 Di tích quốc gia đặc biệt. Các khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, Yên Tử, Bạch Đằng là những hợp phần quan trọng nằm trong Quần thể di sản Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc đã lập hồ sơ đệ trình UNESCO và có cơ hội rộng mở để có thể trở thành Di sản văn hoá thế giới trong tương lai không xa.
Cơ hội quảng bá, tiềm năng du lịch văn hóa của các khu di sản ngày càng lớn. Trong đó, Yên Tử là một điểm đến thu hút lượng khách nước ngoài lớn trong những năm qua, với các dòng khách chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Âu, Mỹ, Ấn Độ… Khi Yên Tử được vinh danh ở tầm thế giới cũng là cơ hội cho việc phát triển du lịch ngày càng tốt hơn, thu hút sự quan tâm của du khách nước ngoài rộng rãi hơn. Đây cũng là nơi đã tổ chức được những show thời trang gắn với vẻ đẹp di sản ấn tượng thời gian qua, góp phần trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa của địa phương. Bảo tàng Quảng Ninh cũng là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước lớn của tỉnh. Các Bảo vật quốc gia của tỉnh trưng bày tại đây cũng góp phần tạo ra các không gian trải nghiệm đa dạng, trở thành sản phẩm du lịch mới cho công nghiệp văn hóa.
Quảng Ninh đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể, tuyệt đối cho đến năm 2030, như: 100% hướng dẫn viên, người sử dụng lao động và người lao động ngành du lịch trên địa bàn được bồi dưỡng kiến thức về lịch sử, danh lam thắng cảnh, văn hóa địa phương. Số hóa 100% các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể đã được xếp hạng, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh. 100% các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng được quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị; 100% số di tích quốc gia đặc biệt được thường xuyên quản lý, tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp.
Bên cạnh đó là việc tăng cường ứng dụng chuyển đổi số với các công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) trong công tác bảo tồn, bảo tàng, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Cùng với vai trò quản lý của nhà nước tích cực phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ, phục hồi, phát huy giá trị di sản văn hóa…