Năm 2024, mặc dù bị ảnh hưởng mạnh từ siêu bão Yagi nhưng du lịch Quảng Ninh vẫn nỗ lực về đích mục tiêu năm với 19 triệu lượt khách, trong đó có 3,8 triệu lượt khách nước ngoài – con số kỷ lục từ trước tới nay. Điều này cũng cho thấy sự phục hồi ngoạn mục sau đại dịch Covid-19 và bước tiến vượt trội với sự khởi sắc về nhiều mặt, mang lại diện mạo tươi sáng, mới mẻ cho du lịch Quảng Ninh.
Quảng Ninh có các vùng du lịch trọng điểm gắn với 4 mùa trong năm. Mùa hội xuân đầu năm, du lịch đón lượng khách nội địa đông đảo đến tham quan, dâng lễ tại hàng trăm di tích đình, chùa, miếu, nghè trải khắp các vùng miền của tỉnh, tập trung nhiều hơn cả ở các địa phương miền Tây như Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên. Những khu di tích lớn như Yên Tử, Cửa Ông, Bạch Đằng, khu di sản nhà Trần, đền – chùa Cái Bầu, chùa Ba Vàng… là những điểm thu hút lượng khách lớn nhất, có thể lên tới cả chục nghìn khách mỗi ngày vào những dịp cao điểm.
Không chỉ mùa lễ hội xuân, những di tích cũng đón lượng khách nhộn nhịp hơn vào những ngày lễ hội trong năm hoặc các dịp lễ trọng khác. Đơn cử như khu di tích Bạch Đằng là dịp giỗ trận Bạch Đằng vào đầu tháng 3 âm lịch, khu di sản nhà Trần, Yên Tử là dịp tưởng niệm Ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn vào đầu tháng 11 âm lịch hằng năm, hay lễ hội Quan Lạn, lễ hội đình Trà Cổ vào dịp tháng 6 âm lịch… Qua thống kê của Sở VH-TT cho thấy, lượng khách đến với các di tích, lễ hội trên địa bàn tỉnh đạt 8,5 triệu lượt, là con số rất đáng kể đóng góp vào tổng lượng khách 19 triệu lượt của Quảng Ninh trong năm nay.
Với lợi thế là vùng biển với đường bờ biển dài và nhiều vùng đảo tươi đẹp, mùa hè luôn là mùa cao điểm nhất của du lịch Quảng Ninh. Năm nay, các trọng điểm của du lịch hè Quảng Ninh như Hạ Long, Cô Tô, Móng Cái, Vân Đồn đều khởi sắc mạnh mẽ về lượng khách. Trong đó, Hạ Long ước đón 10,6 triệu lượt khách trong cả năm, tương tự Móng Cái ước đón 4 triệu lượt, Vân Đồn ước đón 1,82 triệu lượt, Cô Tô đón 310.000 lượt khách, đều cao hơn so với kế hoạch điều chỉnh tăng mà tỉnh giao.
Nhiều cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, sản phẩm, dịch vụ biển đảo cao cấp được doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn, có thể kể tới như: Các khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn, Angsana Quan Lạn, du thuyền Grand Pioneers… Một điểm đặc biệt nữa là sự gia tăng của dòng khách quốc tế đến với Quảng Ninh ngay từ đầu năm, trong đó có nhiều vị khách siêu giàu, cũng như sự trở lại của những chuyến tàu biển không chỉ vào mùa thu đông, mùa xuân mà có cả những chuyến tàu biển cao cấp đưa khách đến Hạ Long, Quảng Ninh vào mùa hè…
Nỗ lực “vượt bão”
Căn cứ vào kết quả, đà tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch Quảng Ninh mùa xuân, hè, tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 177-UBND ngày 6/8/2024 về triển khai các giải pháp thu hút thêm 2 triệu lượt khách du lịch trong năm nay. Qua đó nhằm đưa số khách đến Quảng Ninh đạt kỷ lục là 19 triệu lượt khách, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 tháng, siêu bão Yagi ập đến khiến hầu hết các cơ sở du lịch, điểm đến trong toàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Thiên tai là không thể tính trước nhưng với sự đổ nát sau bão, việc hiện thực hoá những mục tiêu kể trên khó khăn hơn rất nhiều.
Nỗ lực khắc phục thiệt hại nặng nề chưa từng có, cùng với sự đồng hành của tỉnh, địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch dường như kiên cường hơn bao giờ hết. Những con tàu du lịch chỉ bị hư hại do bão được chỉnh trang, sửa chửa lại; những con tàu bị chìm đắm được trục vớt dần, tàu thì được cải tạo, sửa chữa, tàu được hoán đổi lốt để lấy vốn đầu tư tàu vỏ thép lớn hơn, bền vững hơn, có khả năng đảm bảo an toàn, chống chịu với sóng gió hơn. Nhà cửa, cơ sở vật chất du lịch bị hư hỏng dần được sửa chữa, khắc phục. Mặt bằng bị ngập lụt được gia cố để bảo vệ công trình, cây xanh, nước rút tới đâu khắc phục tới đó. Cây cối gãy đổ được cắt tỉa, trồng lại…
Nhiều doanh nghiệp lớn xác định tinh thần là chủ động để không bị gián đoạn dịch vụ, chấp nhận các chi phí phát sinh để đầu tư giữ chân những đoàn khách đã đặt trước. Cứ như thế, nhiều cơ sở, doanh nghiệp dần hồi sinh sau bão với diện mạo mới tươi sáng hơn, vị thế vững vàng hơn. Cho đến cuối tháng 11 vừa qua, hơn 300 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch thuộc nhiều lĩnh vực tại Quảng Ninh, như: Khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, du thuyền… đã đồng thuận tham gia hợp tác kích cầu du lịch “Quảng Ninh – Điểm đến bốn mùa”. Chương trình triển khai trên 350 gói sản phẩm kích cầu đến hết quý I năm 2025 với hàng loạt sản phẩm, dịch vụ dành cho khách du lịch được ưu đãi sâu lên đến 50%…
Qua báo cáo từ các địa phương cho thấy, tất cả các thành phố, huyện, thị xã trên địa bàn đều ước con số khách du lịch cả năm đạt, vượt mục tiêu so với kế hoạch tỉnh đặt ra trong việc thu hút thêm 2 triệu lượt khách như đã kể trên. Các địa phương được giao thấp nhưng qua thực tế lại có tỷ lệ vượt nhiều so với mục tiêu, như: Tiên Yên, Bình Liêu, Đông Triều, Đầm Hà, Cẩm Phả, Hải Hà, Móng Cái… Đây đa phần là các địa phương đón lượng khách không quá lớn nhưng cũng là những địa phương có nhiều lợi thế đón dòng khách du lịch mùa thu đông với sức hút từ đặc trưng về văn hoá bản địa truyền thống cũng như tổ chức nhiều sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch dịp cuối năm.
Mục tiêu đón trên 20 triệu khách
Năm 2025 tới đây, Quảng Ninh xác định nhiệm vụ tiếp tục mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Theo đó, sẽ khẩn trương hoàn thành và triển khai Đề án phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ chất lượng cao, phát triển các sân golf theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp cụm di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng trở thành điểm đến cho du khách trong và ngoài nước để tham quan và tìm hiểu văn hoá, lịch sử về truyền thống yêu nước, giữ gìn chủ quyền của dân tộc Việt Nam.
Cùng với đó, xây dựng các tâm du lịch trọng điểm tại các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, Uông Bí, Cô Tô; kết nối, phát triển các chuyến bay qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tuyến du lịch bằng đường biển. Đa dạng hoá hình thức, sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của dịch vụ du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch biển đảo, Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh… Tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định. Phấn đấu năm 2025, Quảng Ninh đón trên 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế.