Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỉ đồng.
Để đạt được mục tiêu này, công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá sẽ được tăng cường hơn nữa nhằm tạo động lực cho tăng trưởng du lịch Việt Nam.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đã đưa ra kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024.
Cụ thể, du lịch nước ta sẽ tham gia Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF 2024) và Hội chợ Travex – sự kiện lớn nhất trong hợp tác du lịch ASEAN. Tại sự kiện này, du lịch Việt Nam sẽ tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch mạnh mẽ, chính sách thị thực thông thoáng và điểm nhấn là Năm Du lịch quốc gia – Điện Biên 2024.
Được biết, Diễn đàn Du lịch ASEAN 2024 sẽ do Lào đăng cai tổ chức tại thủ đô Vientiane từ ngày 22 đến 27-1 với chủ đề “Du lịch chất lượng và có trách nhiệm – Bền vững tương lai ASEAN”.
Trong năm 2024, du lịch Việt Nam sẽ tham gia Hội chợ ITB tại Berlin (Đức), Hội chợ du lịch quốc tế tại Hàn Quốc, Hội chợ ASEAN – Trung Quốc, Hội chợ du lịch quốc tế Trung Quốc (CITM), Hội chợ Du lịch thế giới (WTM)…
Cùng với đó là các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại nước ngoài, dự kiến tại Úc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ…
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đón các đoàn doanh nghiệp, báo chí, người có tầm ảnh hưởng quốc tế tại một số thị trường du lịch trọng điểm khảo sát du lịch, gồm các đoàn famtrip, báo chí thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), ASEAN, châu Âu, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Năm 2023, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến ở một số thị trường trọng điểm. Công tác truyền thông được triển khai mạnh mẽ trên các website và mạng xã hội.
Trong đó, website https://vietnamtourism.gov.vn thực hiện truyền thông chính sách; website https://vietnam.travel quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra nước ngoài.
Các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, Instagram… cùng lan tỏa mạnh mẽ thông tin du lịch Việt Nam. Qua đó, thông tin, hình ảnh về các điểm đến, sản phẩm du lịch, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ du lịch, những loại hình du lịch đa dạng của nước ta được giới thiệu liên tục, góp phần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Các video clip trong chương trình truyền thông trên YouTube “Việt Nam: Đi để yêu!” tiếp tục được sản xuất nhằm quảng bá hình ảnh tươi đẹp, lan tỏa động lực khám phá các điểm đến hấp dẫn. Đó là các video clip “Du lịch golf – tận hưởng từng khoảnh khắc”; “Kon Tum – Trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên” và “Cần Thơ – Đô thị miền sông nước”.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức năm 2019. Tuy nhiên mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực.
Nhu cầu của du khách quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo.
Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới…, đòi hỏi việc quảng bá, xúc tiến cũng phải được đổi mới để phù hợp với thực tiễn.