6 tháng đầu năm vừa qua, du lịch Quảng Ninh đã có sự khởi sắc về nhiều mặt. Các chỉ số đều tăng so với kịch bản và cùng kỳ năm ngoái, như lượng khách du lịch đạt gần 10,43 triệu lượt, trong đó đặc biệt là khách quốc tế đạt gần 2 triệu lượt, tăng 140% so với cùng kỳ 2023. Tổng thu du lịch ước đạt 22.285 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ 2023…
Sôi động trên khắp các vùng miền
6 tháng đầu năm cũng là thời điểm rơi vào dịp Tết Nguyên đán cũng như mùa hội xuân hằng năm, thường thu hút đông đảo du khách tham quan, đi lễ đến với các cảnh điểm và hệ thống đình, chùa rất phong phú trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, năm nay cũng ghi nhận lượng khách gia tăng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước.
Lượng khách nội địa tập trung chủ yếu tại các điểm du lịch tâm linh lớn, được đầu tư khang trang, có cảnh quan đẹp, như: Khu Di tích – Danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (Uông Bí), đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), chùa Lôi Âm, Long Tiên, đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long), chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn), Khu di tích lịch sử nhà Trần (TX Đông Triều), Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (TX Quảng Yên). Đáp ứng nhu cầu du khách, trong dịp này, các địa phương đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội thu hút nhiều lượt khách tham quan, trải nghiệm.
Một trong những điểm hút khách lớn nhất của Quảng Ninh là Vịnh Hạ Long. Năm nay, khách tới tham quan Vịnh Hạ Long khởi sắc ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, đặc biệt là sự trở lại đáng kể của dòng khách nước ngoài. Theo thống kê của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, trong 6 tháng đầu năm, Vịnh Hạ Long đón gần 1,65 triệu lượt khách, tăng 36,8% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, khách nước ngoài chiếm trên 1 triệu lượt; phí tham quan đạt 496,4 tỷ đồng, tăng 40,8% so với cùng kỳ 2023.
Phân tích về thị trường khách quốc tế đến Quảng Ninh năm nay, ngành du lịch chỉ ra 10 thị trường khách quốc tế lớn đến Quảng Ninh, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Australia, Anh, Đức, Nhật. Tuy nhiên, với dòng khách truyền thống của Quảng Ninh là Trung Quốc vào 3 tháng đầu năm tăng cao, nhưng tới quý II thì lượng khách này giảm dần. Khách lưu trú 6 tháng ước đạt trên 3,17 triệu khách, chiếm hơn 30% tổng khách đến với Quảng Ninh, trong đó khách lưu trú quốc tế đạt trên 1 triệu lượt, tăng 110% so với cùng kỳ 2023.
Theo thống kê của 13 địa phương trong toàn tỉnh thì 6 tháng đầu năm, các địa phương đón hơn 13,2 triệu khách, tăng 33% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, 3 địa phương dẫn đầu là Hạ Long đón 5,4 triệu khách, Uông Bí là 2,56 triệu khách và Móng Cái là 2 triệu khách… Các địa phương đều có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao thu hút khách du lịch trải đều vào nhiều thời điểm; tổ chức các chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch theo kế hoạch. Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, toàn tỉnh diễn ra 29 sự kiện tiêu biểu.
Các địa phương, đơn vị đã tích cực triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch mới trên địa bàn cùng với nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có. Thống kê cho đến nay, 23/62 sản phẩm du lịch mới năm 2024 đã được đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch, với nhiều sản phẩm tiêu biểu, như: Tổ hợp vui chơi, giải trí Ngọn Hải đăng, du thuyền Grand Pioneers II khai thác “Hành trình di sản” kết nối Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long, du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới, trải nghiệm kỳ nghỉ trên Vịnh Hạ Long (TP Hạ Long), khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea (Vân Đồn), không gian bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc Tày tại Quảng Ninh Gate, điểm vui chơi giải trí dịch vụ du lịch Tân Việt Bắc (TX Đông Triều), sản phẩm chợ phiên văn hoá vùng cao tại một số địa phương…
Các đơn vị, địa phương cũng tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo môi trường du lịch, giữ vững an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn điểm đến; đảm bảo quyền lợi cho du khách.
Hứa hẹn cán đích mục tiêu năm
6 tháng qua, Quảng Ninh đã thu hút gần 10,43 triệu lượt khách, trong đó có gần 2 triệu khách nước ngoài, như vậy là so với chỉ tiêu thu hút 17 triệu lượt khách cả năm nay, trong đó có 3 triệu khách quốc tế, có tính khả thi cao. Bởi lẽ, mùa cao điểm du lịch hè còn kéo dài tới hết tháng 8, trong khi như cao điểm tháng 6 vừa qua đã có trên 1,9 triệu lượt khách du lịch đến với Quảng Ninh. Các tháng cuối năm cũng là thời điểm thu hút mạnh dòng khách nước ngoài, trong đó có khách tàu biển cao cấp.
Đáng chú ý là Quảng Ninh sau dịch Covid-19 là điểm đến của nhiều hãng tàu biển. Không chỉ mùa đông – xuân là mùa cao điểm của khách tàu biển mà năm nay, ngay trong mùa hè này, Hạ Long cũng đã đón một số tàu biển, như tàu hạng sang The World, quốc tịch Mỹ với du khách là các triệu phú, tỷ phú chủ yếu đến từ Mỹ, châu Âu; tàu biển Blue Dream Melody đến từ Trung Quốc và dự kiến trong 2 tháng hè tiếp theo, Quảng Ninh tiếp tục đón thêm một số chuyến tàu biển quốc tế nữa. Theo thống kê từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 50 chuyến tàu biển mang theo 40.000 lượt khách du lịch quốc tế Quảng Ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu khôi phục, gia tăng mạnh mẽ về số lượng khách thì vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế, tồn tại cần khắc phục đối với du lịch Quảng Ninh để đạt kết quả trọn vẹn trong năm nay. Một trong đó là về môi trường kinh doanh du lịch, nhất là tại trung tâm du lịch Hạ Long, bị phản ánh trên mạng xã hội, như: Dịch vụ kém chất lượng tại một số nhà hàng, tàu du lịch, giá cả chặt chém, xe taxi dù, xe điện hoạt động chèo kéo, thái độ ứng xử với khách du lịch, biểu diễn gây phản cảm… gây bức xúc cho du khách và ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch của thành phố.
Vì vậy, việc chấn chỉnh môi trường kinh doanh du lịch của Hạ Long cần tăng cường, không chỉ có tính thời điểm, khi có thông tin phản hồi mà cần được duy trì thường xuyên, kết hợp với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức phục vụ của các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Cùng với đó là việc hiện thực hoá 39/62 sản phẩm du lịch mới năm nay theo định hướng kế hoạch của tỉnh. Cho tới nay, nhiều sản phẩm cho thấy tính khả thi thấp hoặc sẽ bị chậm tiến độ. Đơn cử, như 7/8 sản phẩm, dịch vụ du lịch do doanh nghiệp đề xuất phát triển trên Vịnh Hạ Long đều gặp vướng mắc về thủ tục, quy hoạch. TP Hạ Long qua rà soát cũng đã đề xuất đưa 4 sản phẩm ra khỏi danh mục phát triển trong năm nay…
62 sản phẩm kể trên là do các địa phương, đơn vị đề xuất trên cơ sở nhu cầu, kế hoạch của mình chứ chưa tính đến yếu tố pháp lý nên chắc chắn nhiều sản phẩm sẽ bị lỡ hẹn. Dù vậy cũng rất cần sự đồng hành, phối hợp tích cực hơn nữa giữa các sở, ngành, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp du lịch có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy quá trình phát triển các sản phẩm du lịch mới, góp phần gia tăng thêm sức hút cho du lịch Quảng Ninh.