Du lịch là đi tìm sự khác biệt. Vì vậy, nhiều vị khách Tây đã chọn ở lại nhà nông miền Tây để trải nghiệm thay vì ở thành phố trong các khách sạn sang trọng.
Du lịch cộng đồng với dịch vụ lõi là homestay – “Ngủ nhà dân” ra đời từ đó, từ cách đây hơn 30 năm ở các tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu và phát triển dần theo thời gian.
Từ những điểm homestay đầu tiên
Vùng quê miền Tây cách đây 30 năm rất khác bây giờ – giao thông nông thôn chủ yếu đi lại bằng ghe, xuồng trên các con rạch phủ bóng dừa nước, hai bên bờ là những nhánh mận, ổi “de” ra, vài trăm mét lại có cầu tre lắt lẻo, cảnh các cô bé đi học về kêu í ới và tiếng rao hàng rong vọng lên từ dưới sông là cảnh thường ngày.
Những căn nhà của nông dân phần lớn được làm bằng gạch hay gỗ, lá, thậm chí còn được gọi là “nhà đá, nhà đạp” vì nó quá đơn sơ.
Các gia đình về đêm phần lớn sinh hoạt dưới ánh sáng đèn dầu, nếu có điện cũng chỉ để thắp sáng và chạy quạt máy. Tuy vậy, ngoài vườn thì chim sống thành đàn, dưới sông cá lội từng bầy, thành thử ban ngày khách có thể thấy cu gáy, cò bay, tối nghe cá nhảy…
Nằm trong vùng “văn minh miệt vườn” – nói theo nhà văn Sơn Nam – cù lao An Bình và Bình Hòa Phước trên sông Tiền, thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long là một trong những nơi làm homestay đầu tiên ở miền Tây.
Mỗi nhà vườn được các công ty lữ hành chọn, thường có một cái gì đó đặc trưng văn hóa địa phương và nổi trội hơn so với các gia đình trong xóm.
Ví dụ như điểm vườn Sáu Giáo (xã Bình Hòa) là của một lão nông Nam Bộ “rặt” với râu tóc bạc phơ, thích ở trần, hay kể chuyện xưa, có vườn nhãn cổ và nhiều gốc cây cảnh. Khách đến nhà ông thậm chí chỉ để ngủ trên ghế bố ngoài hàng hiên mà vẫn rất thích.
Xóm giềng thấy ngày nào ông cũng đón Tây đến ở nên họ đặt luôn cho ông biệt danh “ông Sáu quốc tế”.
Vườn Mười Hưởng lại chuyên về các loại chôm chôm, nhãn cũng do một lão nông hiền lành, chất phác, biết đánh cờ tướng, kể chuyện đời xưa, làm chủ.
Nhà vườn này có rạch phía trước, ao cá phía sau và nhiều bụi cây um tùm nên khách Tây ấn tượng nhất là tiếng ếch kêu sau mỗi cơn mưa rào. Với họ sao cái con gì cứ hát suốt đêm không ngủ, ngộ ghê!
Ngược về phía thượng lưu sông Hậu trên cù lao ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, tỉnh An Giang) cũng có các điểm homestay trong các căn nhà gỗ, khách chủ yếu là người nước ngoài đi tour trên sông Hậu.
Họ đến đây để tìm hiểu cuộc sống của những nhà nông làm nghề đánh bắt cá nước ngọt, nghe những câu chuyện kể về loài cá hô sống trên sông Mekong.
Thành công và thất bại
Có không ít chủ homestay thành công trong giai đoạn đất nước mới mở cửa, vì họ làm du lịch như một thú vui nhưng lại rất chuyên tâm trong việc chăm sóc khách, coi khách như người thân từ phương xa trở về.
Hơn nữa, khách nhiều nhưng ít người làm dịch vụ này, nên các thành viên du lịch cộng đồng chỉ cần tập trung vào phục vụ mà không cần quan tâm đến tiếp thị hay cạnh tranh.
Những hộ thành công này sau đó mở rộng quy mô diện tích vườn, có hộ ở Phong Điền (Cần Thơ), An Bình (Vĩnh Long) còn sở hữu thêm nhiều héc ta đất sau vài chục năm khởi nghiệp làm du lịch.
Nguyên nhân sau cùng là du lịch cộng đồng phải có người điều phối hoạt động chung của nhiều hộ, nhưng các cộng đồng thường không có nhân vật thủ lĩnh này, thành ra chỉ một vài năm liên kết với nhau, các hộ tự đứng ra làm riêng, thậm chí họ trở thành đối thủ cạnh tranh lẫn nhau bằng phương thức “cổ điển” là hạ giá, từ đó giảm chất lượng dịch vụ.
Đến bước này, các cụm du lịch cộng đồng không còn đúng nghĩa với khái niệm ban đầu là nó được quản lý, điều hành như một cộng đồng thống nhất, mà là tập hợp của nhiều cá thể có mục tiêu khác nhau, từ đó làm cho thương hiệu chung của họ bị ảnh hưởng, dẫn đến khách càng ngày giảm.
Như thế, homestay ở miền Tây như nghe tiếng ếch kêu, vài lần thì thấy hay nhưng nghe nhiều đêm thì buồn nẫu ruột!
Chuyển hướng du lịch nông nghiệp
Do vùng nông thôn ĐBSCL dần thay đổi, nhiều con đường mới hình thành, cống đập chắn ngang kinh rạch, cầu bê tông thay cho cầu khỉ, bờ bao chống sạt lở thay dần hàng dừa nước.
Bên cạnh đó, khí hậu thay đổi, tiếng ồn từ các loại động cơ ngày càng nhiều, cuộc sống của nhà nông ngày càng hiện đại làm cho cảnh quê không còn như xưa. Các cộng đồng làm du lịch truyền thống như vài chục năm trước giờ cũng thay đổi, họ tách ra thành các điểm riêng biệt, ít gắn kết với nhau trong cộng đồng.
Những thay đổi khách quan và chủ quan như thế đã làm cho các điểm du lịch cộng đồng phải thay đổi – một số homestay nâng cấp phòng ngủ có máy lạnh, trong khi những điểm mới thì phát triển thành điểm du lịch nông nghiệp (farmstay) với các loại hình lưu trú cao cấp hơn.
Những năm gần đây cù lao An Bình, Bình Hòa Phước có thêm nhiều điểm homestay lớn như Út Trinh, Út Thủy, Phương Thảo có thể đón được cả đoàn khách lớn 50-60 người. Tại huyện Phong Điền (Cần Thơ) lại có hẳn một “làng” homestay dạng khu nghỉ dưỡng miệt vườn với các thương hiệu Vàm Xáng, Eco Lodge, Eco Resort, Ricefield Lodge, Mekong Silt chuyên đón khách cao cấp.
Đồng Tháp nổi tiếng với đồng sen và làng hoa thì coi du lịch nông nghiệp là hướng đi chính, nên đã phát triển trang trại làm du lịch ở tất cả các huyện, thị. Những điểm homestay nổi tiếng như Hùng Hoa Ếch (Sa Đéc), Tư Cá Linh (Tam Nông) đều từ các hộ nông dân chuyển sang làm du lịch và họ rất thành công.
Cù Lao Dung (Sóc Trăng) và Đất Mũi (Cà Mau) có vùng chuyên nuôi trồng thủy sản thì nay có nhiều farmstay, homestay trên vuông để khách vừa ở vừa trải nghiệm câu tôm, cua.
Gần đây xuất hiện Hợp tác xã du lịch nông nghiệp Cồn Sơn (Cần Thơ) và Tổ hợp tác du lịch Cồn Chim (Trà Vinh) được tổ chức theo dạng chuỗi giá trị bao gồm dịch vụ vận chuyển, hướng dẫn, tham quan, trải nghiệm, ăn uống và lưu trú.
Khách đến Cồn Sơn thường được xem bè cá trên sông, cá lóc nhảy trong ao, đến Cồn Chim được đi câu cua, ăn bánh dân gian do nhiều hộ chế biến.