96% du khách Việt Nam đồng ý rằng du lịch bền vững rất quan trọng, tuy vậy 26% trong đó cho rằng họ không xem đây là yếu tố quyết định khi lập kế hoạch du lịch.
Dữ liệu của hơn 31.000 du khách đến từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ, phản ánh quan điểm, sự ưu tiên và tác động của du lịch bền vững đối với quyết định của người tiêu dùng được đưa ra trong Báo cáo du lịch bền vững 2024 của nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com.
Trong đó có tới 96% du khách Việt Nam khẳng định du lịch bền vững đóng một vai trò quan trọng trong lựa chọn của họ. Tuy vậy, không ít du khách cảm thấy gánh nặng từ những thách thức không nhỏ mà lựa chọn du lịch bền vững mang lại.
Giám đốc quốc gia của Booking.com tại Việt Nam, Varun Grover, cho biết có đến 40% du khách bày tỏ sự mệt mỏi với việc liên tục nghe về vấn đề biến đổi khí hậu gần đây. Những phát hiện này cho thấy xu hướng du lịch bền vững đang gặp phải thách thức và cần tiếng nói của cộng đồng để đảm bảo xu hướng này trở thành ưu tiên hàng đầu với nhiều du khách.
Thậm chí, nhiều du khách cho rằng những tổn thất môi trường trong quá trình hoạt động du lịch là không thể khắc phục và các lựa chọn cá nhân không tạo ra sự khác biệt.
Thực tế vẫn có đến 56% du khách cảm thấy áy náy khi lựa chọn những hình thức du lịch có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, trong khi 21% quyết định hành động theo hướng bền vững hơn vì tin tưởng đó là quyết định đúng đắn.
Đáng chú ý, 80% khách du lịch Việt Nam cho biết mong muốn những điểm đến mà họ đặt chân đến sẽ được cải thiện về chất lượng dịch vụ, quan tâm môi trường hơn sau khi họ rời đi. 43% du khách tin tưởng họ có thể mang lại những ảnh hưởng tích cực với các vấn đề xã hội liên quan đến ngành du lịch.
Thách thức du lịch bền vững không chỉ đến từ du khách mà bắt đầu từ điểm đến. Nếu các điểm đến không giữ gìn, làm môi trường xấu đi thì du khách sẽ không quay trở lại. Trong cuộc cạnh tranh mới, xây dựng những điểm đến chất lượng, bền vững là yếu tố ưu tiên hiện nay.
Tuy vậy, con đường phát triển du lịch bền vững lại đi ngược lại với mục tiêu đón khách, tăng trưởng kinh tế của các địa phương. Một tỉ lệ tương đương (43%) cũng cho rằng sự đoàn kết và nỗ lực chung của cộng đồng là chìa khóa quan trọng nhất để giải quyết các thách thức kinh tế cũng như phát triển du lịch bền vững.
Trong khi đó, hơn một nửa số người tham gia khảo sát (51%) cho rằng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch đang nắm giữ những giải pháp hiệu quả cho các vấn đề môi trường. Do đó, việc kêu gọi hành động cộng đồng nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành du lịch vẫn luôn được xem là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
Ông Varun Grover cho rằng cần có sự đồng lòng và hợp tác liên ngành có thể mang lại những thay đổi tích cực đáng kể nhằm hướng tới tương lai tươi sáng hơn cho du lịch bền vững.
Khái niệm du lịch bền vững được nhắc đến lần đầu tiên năm 1992, tại Hội nghị về môi trường và phát triển của Liên Hiệp Quốc tại Rio de Janeiro.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch bền vững là du lịch giảm thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương và có thể được thực hiện lâu dài nhưng không ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi mà nó phụ thuộc vào.