Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) mà Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành để sửa đổi và dự kiến trình Quốc hội vào năm 2026 sẽ sửa đổi, bổ sung 31/35 điều. Trong đó, sửa nội dung về thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú (Điều 11); về giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc (Điều 19)… được đa số người làm công ăn lương quan tâm.
Trong tờ trình Chính phủ của Bộ Tài chính về việc sửa đổi cũng nhấn mạnh “Yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp bối cảnh mới…” để giảm gánh nặng cho người nộp thuế.
Nhóm 20% người giàu nhất đang nộp thuế TNCN
Thời gian lấy ý kiến các bộ, ngành, tổ chức về dự thảo sửa và thay thế Luật Thuế TNCN đang ngắn dần. Quan điểm sửa luật lần này là “bổ sung những quy định đang là vướng mắc, không còn phù hợp để kịp thời giải quyết những vấn đề bất cập phát sinh trong thực tế, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân…”.
Trong số những điều được đa số người nộp thuế và nhiều chuyên gia cho là “không còn phù hợp” nhưng chưa được sửa, đó là: Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc, biểu thuế lũy tiến, thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản…
Mức giảm trừ gia cảnh ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người có thu nhập từ ngưỡng chịu thuế đến mức thu nhập cao. Điều này sẽ được điều chỉnh, mức độ điều chỉnh phụ thuộc rất nhiều vào ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, chuyên gia. Nội dung chính sách và giải pháp điều chỉnh trong tờ trình Bộ Tài chính đưa ra cụ thể như: “Nghiên cứu điều chỉnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự thay đổi về mức sống dân cư, chỉ số giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô trong giai đoạn gần đây”; “Nghiên cứu điều chỉnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc”…
Thực tế cho thấy, mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020) đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng; đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng đang là rất thấp.
Luật Thuế TNCN từ khi ra đời đến nay, trải qua từng giai đoạn khác nhau, mức giảm trừ gia cảnh đã được điều chỉnh. Từ ngày 1/1/2009, quy định mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Từ 1/7/2013, mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Ngày 2/6/2020, nhờ có nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020), mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế được nâng lên mức 11 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Mức giảm trừ gia cảnh này được đánh giá là góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN. Bên cạnh đó, gánh nặng nợ thuế cũng được giảm đi phần nào. Thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn sau đó, mức thu nhập của người có nguồn thu từ tiền lương, tiền công ở ngưỡng 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) cũng đã nhanh chóng lạc hậu. Nhiều ý kiến đã đề xuất cần sớm tăng mức giảm trừ gia cảnh để giảm gánh nặng lên người nộp thuế.
Theo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê thì thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam năm 2023 là 4,96 triệu đồng. Nhóm hộ có thu nhập cao nhất (20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người. Như thế nghĩa là mức giảm trừ cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng đang tương đương thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số giàu nhất nước.
Nghịch lý ở chỗ, trên nhiều diễn đàn, ý kiến của không ít chuyên gia, thậm chí đại biểu Quốc hội cho rằng, với thu nhập đơn thuần của một công chức, viên chức bình thường, họ phải “cả đời không ăn gì” mới có thể mua được nhà ở, chưa nói đến ăn, mặc, sinh hoạt phí bình thường.
Căn cứ nào là phù hợp?
Người làm công ăn lương đang chịu gánh nặng thuế TNCN đặt ra yêu cầu phải nâng mức giảm trừ gia cảnh, nhưng nâng bao nhiêu là phù hợp, có nên chỉ “neo mấu” vào chỉ số CPI để tính mức giảm trừ gia cảnh không khi mà luật quy định phải chờ CPI tăng vượt quá 20% mới sửa mức giảm trừ gia cảnh?
Trả lời báo PV Tiền Phong với tư cách chuyên gia, bà Huyền Nguyễn, Phó Tổng giám đốc phụ trách dịch vụ Báo cáo & Tuân thủ Toàn cầu, Cty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho biết: Mức giảm trừ gia cảnh phụ thuộc nhiều yếu tố như chi phí cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản, chỉ số lạm phát… Trong khi đó, CPI được xây dựng dựa trên một rổ hàng hóa (danh mục CPI giai đoạn 2020-2025 gồm 754 mặt hàng) và quyền số thể hiện tỷ trọng chi tiêu từng nhóm hàng so với tổng chi tiêu của dân cư. Dù CPI là một trong các tham số để đánh giá mức tăng chi phí sinh hoạt của người dân, rổ hàng hóa và quyền số để tính CPI chỉ được cập nhật sau mỗi 5 năm, do vậy CPI có thể không phản ánh kịp thời biến động giá cả qua từng năm.
“Nếu tiếp tục dựa vào CPI, mức độ biến động CPI cần thiết để xem xét điều chỉnh giảm trừ gia cảnh nên được giảm xuống, thay vì 20% như hiện nay”, bà Huyền Nguyễn nói.
Về biểu thuế lũy tiến áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, bà Huyền Nguyễn dẫn chiếu ví dụ về biểu thuế ở một số nước: “Nếu so với nhiều nước có thu nhập bình quân đầu người tương đương Việt Nam, biểu thuế của Việt Nam hiện quá cao. Philippines, Indonesia có mức thuế suất cao nhất cũng là 35% nhưng áp dụng cho thu nhập 5 tỷ Rupiah Indonesia/năm (667 triệu đồng/tháng) hoặc 8 triệu Peso/năm (288 triệu đồng/tháng). Mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp phổ thông ở ta đã được giảm từ 25% (áp dụng từ 2009) về 20% (từ 2016). Do đó, việc mức thuế suất cao nhất 35% được duy trì áp dụng với người có mức thu nhập tính thuế từ 80 triệu đồng trở lên (đã áp dụng từ năm 2009) nên được cân nhắc và xem xét điều chỉnh giảm”.
Cho đến nay, mức giảm trừ gia cảnh đang được quy định cứng là: chỉ thay đổi, điều chỉnh khi CPI tăng quá 20%. Điều này quá cứng nhắc ngay cả khi có nhiều biến động xấu tác động lên người nộp thuế, ví như tác động của bão Yagi có thể đủ để đề xuất giảm thuế cho người nộp thuế TNCN, giảm gánh nặng cho họ mà không cần căn cứ vào CPI.
Theo một chuyên gia về thuế, mức giảm trừ gia cảnh sau khi tính toán kỹ để giảm và nên được xem xét điều chỉnh hằng năm, hoặc ít nhất 2-3 năm/ lần, thay vì đợi đến khi CPI tăng quá 20% như quy định hiện hành. “Để tránh việc mất nhiều thời gian thảo luận mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh, Luật Thuế TNCN mới có thể đưa vào quy định mức giảm trừ gia cảnh sẽ được tự động thay đổi theo tỷ lệ tăng CPI hoặc tỷ lệ tăng mức lương cơ sở hoặc tối thiểu vùng”, vị chuyên gia nói.