Mục tiêu của Quảng Ninh đến năm 2030 là trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; là trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước… Để hiện thực hoá mục tiêu này, Quảng Ninh tiếp tục coi trọng huy động các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách và thực hiện nhiều giải pháp để đưa nguồn lực này trở thành động lực phát triển quan trọng của tỉnh.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2025 đạt trên 117.000 tỷ đồng, trung bình giai đoạn 2021-2025 tăng trên 10%/năm. Trên cơ sở này, tỉnh ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư và sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, nhất là du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái. Cùng với đó là các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trung tâm đổi mới sáng tạo…
Để có thể thuyết phục được các nhà đầu tư lớn, chiến lược từ các quốc gia trên thế giới, tỉnh cũng cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh và sinh sống gắn bó với Quảng Ninh. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, xây dựng, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng điều hành chính quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số, đồng hành cùng doanh nghiệp…
Hơn một thập kỷ qua, Quảng Ninh kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với nhiều quyết sách mạnh mẽ. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đưa mục tiêu “Hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI” vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, cụ thể hoá bằng Nghị quyết chuyên đề số 05 năm 2021; HĐND tỉnh ban hành 3 nghị quyết cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách hành chính; UBND tỉnh ban hành trên 30 quyết định, kế hoạch, chương trình hành động và trên 570 thông báo, văn bản chỉ đạo điều hành. Đồng thời với đó, kiên trì mạnh dạn thí điểm những mô hình quản trị mới phù hợp thực tiễn địa phương phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số toàn diện; mở rộng sự kết nối, trao đổi thông tin, tăng cường tương tác thường xuyên giữa chính quyền các cấp với người dân và doanh nghiệp. Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế.
Để tạo niềm tin bền vững, Quảng Ninh đã trao quyền mạnh mẽ cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp “đo lường”, đánh giá khách quan, độc lập thông qua các kênh phản hồi, phiếu điều tra, khảo sát tính thực chất cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mức độ tín nhiệm đối với bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở. Đặc biệt, các cấp, các ngành từ tỉnh đến các địa phương phải nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các phản ánh của doanh nghiệp, để có hướng giải quyết thỏa đáng và từ đó nâng cao hiệu quả quản lý ngành mình… Cùng với đó, nhiều không gian mở được tạo ra để nâng cao hiệu quả tương tác với chính quyền, như các phiên cafe doanh nhân, các tổ hỗ trợ đầu tư…
Đến nay, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước 7 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân PCI và 11 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Không chỉ vậy, tỉnh còn để lại nhiều dấu ấn nổi bật thể hiện trong việc giảm thiểu gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, khi chỉ số thành phần Chi phí thời gian của Quảng Ninh đạt điểm số cao nhất cả nước. Các chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp, Chi phí không chính thức cũng đứng top đầu.
Nhờ nỗ lực lớn, quyết tâm cao cùng các kế hoạch thu hút đầu tư được xây dựng sớm, với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra khoa học, rõ ràng và có sự rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, kết quả thu hút đầu tư FDI của Quảng Ninh đạt được kết quả rất khởi sắc. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XV đến nay đã thu hút được trên 566.000 tỷ đồng nguồn vốn ngoài ngân sách; trong đó thu hút FDI đạt 7,72 tỷ USD, gấp 3,3 lần cả nhiệm kỳ 2016-2020; năm 2023, thu hút FDI đạt 3,1 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt trên 1,5 tỷ USD, bằng 51,6% kế hoạch năm 2024 (3 tỷ USD), đứng thứ hai cả nước. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút mới 22 dự án, đạt trên 1.345 triệu USD. Đây hầu hết đều là những dự án đầu tư FDI thế hệ mới trong lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo của những nhà đầu tư chiến lược, sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, ít thâm hụt tài nguyên, ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và tạo ra giá trị lớn cho nền kinh tế của tỉnh.