Việc đồng Yên có thể tăng giá sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có thị trường xuất nhập khẩu sang Nhật Bản. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các loại hàng phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, gỗ và sản phẩm gỗ… và nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện…
Thống kê trong giai đoạn từ năm 2021 – 2023, đồng Yên đã mất khoảng 30% giá trị so với đồng USD. Đây cũng là mức mất giá mạnh hơn hầu hết các đồng tiền khác trong khu vực khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) giữ lãi suất cực thấp còn hầu hết các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều tăng lãi suất.
Tuy nhiên tới ngày 19.3 vừa qua, BOJ đã chính thức tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007, đẩy lãi suất lên trên mức 0 để khép lại một chương trong nỗ lực tích cực nhằm kích thích nền kinh tế từ lâu đã phải vật lộn để tăng trưởng. BOJ cũng trở thành ngân hàng cuối cùng trên thế giới chấm dứt chế độ lãi suất âm sau khi có dấu hiệu tình trạng giảm phát kéo dài hàng thập kỷ đã kết thúc.
Nhà kinh tế Masamichi Adachi của ngân hàng UBS dự báo BOJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên mức 0,25% vào mùa thu năm nay và tiếp tục có một đợt tăng nữa vào mùa xuân năm 2025 nếu các điều kiện kinh tế ở Mỹ còn mạnh.
Theo cố vấn vĩ mô Mark Farrington tại Farrington Consulting, đồng Yên hiện có tiềm năng tăng giá.
Còn nhà phân tích kinh tế cấp cao Elvira Mami tại tổ chức tư vấn ODI nhận định: “Phần lớn khoản vay đều có lãi suất cố định, tuy nhiên, nếu quyết định của BOJ làm cho đồng Yên tăng giá, một số nước đang phát triển sẽ phải trả nợ nhiều hơn”.
Vậy với Việt Nam, đồng Yên tăng giá sẽ tác động như nào khi Nhật Bản là đối tác ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương nhất với Việt Nam, đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4? Khối nghiên cứu từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) chỉ ra 3 ảnh hưởng lớn sau:
Thứ nhất, nợ công thực của Việt Nam tăng. BSC cho biết Nhật Bản là một trong những chủ nợ lớn của Việt Nam và là chủ nợ song phương lớn nhất tính đến năm 2022 với tổng khoản vay khoảng 252 nghìn tỉ đồng. Việc đồng Yên tăng giá khiến gánh nặng nợ công tăng lên. Ngoài ra, việc đồng Yên tăng giá có thể khiến đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư gián tiếp (FII) từ Nhật Bản giảm.
Thứ hai, việc đồng Yên có thể tăng giá sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có thị trường xuất nhập khẩu sang Nhật Bản. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các loại hàng phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác, gỗ và sản phẩm gỗ… và nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ôtô, chất dẻo nguyên liệu…
“Việc đồng Yên tăng giá sẽ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu và có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp nhập khẩu từ thị trường này. Ngoài ra, việc đồng Yên tăng giá còn tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp sử dụng nợ vay bằng đồng Yên” – BSC đánh giá.
Thứ ba, ảnh hưởng đến dòng kiều hối từ Nhật Bản. Người lao động Việt Nam tại Nhật Bản sẽ được hưởng lợi nếu đồng Yên tăng giá khi có thể nhận được mức lãi suất tiền gửi cao hơn khi gửi tiền ở Nhật Bản và có thu nhập cao hơn khi quy đổi sang USD/VND. Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lao động hàng đầu của Việt Nam. Đây cũng là nhân tố hỗ trợ rất tốt đối với nguồn kiều hối của Việt Nam.